Có cán bộ địa phương "bảo kê" khai thác khoáng sản trái phép
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, các địa phương có vai trò lớn trong kiểm tra, giám sát vì khoáng sản nằm trên địa bàn, khai thác chở bằng ô tô và chạy trên đường. Nhưng qua khám phá các vụ án về khai thác khoáng sản thì có liên quan đến cán bộ địa phương, có hệ thống "bảo kê" việc này...
Chuyển sang chất vấn nhóm vấn đề thứ hai là lĩnh vực kinh tế ngành, thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu giải trình thêm ý kiến đại biểu.
Giải pháp nào hạn chế thiệt hại do thiên tai?
Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Bộ TN&MT thu hút sự quan tâm chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH). ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra phức tạp nhiều năm qua và đã có nhiều vụ án được phanh phui, điều tra, đề nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết trách nhiệm quản lý Nhà nước của bộ và giải pháp khắc phục?
ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đề cập thực tế thiên tai như sạt lở, lũ quét ở Việt Nam diễn ra với tần suất ngày càng nhiều, xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và các giải pháp để cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho cộng đồng và cho người dân?
ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An) chất vấn giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại hệ thống Bắc Hưng Hải; ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) chất vấn giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, biến đổi khí hậu đang tác động rõ rệt đến chúng ta, mà nước ta là một trong 6 quốc gia chịu ảnh hưởng rất lớn bởi biến đổi khí hậu. Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long với nền địa chất non trẻ, bị sụt lún, nguồn cấp nước phụ thuộc nước ngoài; vùng Tây Nguyên trên nền địa chất có lát cắt, khi mưa lớn, cục bộ kéo dài tạo ra sự sạt lở rất nguy hiểm.
"Giải pháp của Bộ TN&MT là tăng cường khả năng cảnh báo về thiên tai; tham mưu Chính phủ ban hành dự án, dự báo cảnh báo; phối hợp các địa phương làm bản đồ nền tổng hợp về những vùng có nguy cơ sạt lở, quy hoạch, di dời dân cư và quy hoạch để phát triển theo dự báo về sạt lở để tránh ảnh hưởng đến dân cư và sự phát triển" - Bộ trưởng thông tin.
Về các dự án công trình và phi công trình, ông cho hay, vừa qua, Thủ tướng đi khảo sát đồng bằng sông Cửu Long để trình Quốc hội các dự án về bờ kè, các dự án ODA, các dự án chương trình mục tiêu quốc gia... Nhưng ở đây có đặc điểm là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa khó khăn trong việc lựa chọn giữa di dời dân cư và sự phát triển.
"Một giải pháp nữa là phi công trình, đề nghị các địa phương có cây bản địa, chẳng hạn đồng bằng sông Cửu Long có cây đước, cây bần; miền núi có cây tre, cây nứa thì trồng thêm các loại cây này. Thêm vào đó, tránh việc quy hoạch những công trình lớn ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao" - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh bổ sung.
Đề xuất chương trình quốc gia xử lý các "dòng sông chết"
Về khai thác khoáng sản trái phép, ông cho biết, vừa qua, Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT và các địa phương trong việc cấp phép, kiểm tra giám sát việc khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng. Về khoáng sản, bộ phối hợp các địa phương chỉ đạo việc này.
"Thực ra, trong khai thác khoáng sản trái phép, các địa phương có vai trò lớn trong kiểm tra, giám sát vì khoáng sản nằm trên địa bàn, khai thác chở bằng ô tô và chạy trên đường. Nhưng qua khám phá các vụ án về khai thác khoáng sản thì có liên quan đến cán bộ địa phương, có hệ thống "bảo kê" cho việc này. Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp các địa phương tiến hành giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản trái phép" - Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh khẳng định.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, "Tư lệnh" ngành TN&MT cho biết, bộ đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện rất nghiêm việc ra quân, kiểm tra các khu công nghiệp, vùng công nghiệp và đã xử phạt hành chính rất nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định; tiếp tục tăng cường công tác quan trắc hệ thống thủy lợi và làm việc với các địa phương, dùng các nguồn lực tiếp tục cố gắng xử lý tình trạng ô nhiễm.
Tuy nhiên, để đảm bảo hệ thống nước thải đô thị và nông thôn được xử lý cần rất nhiều nguồn lực, chưa kể cần có giải pháp xây dựng nhà máy xử lý và vận hành nhà máy.
"Bộ TN&MT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất các cấp có thẩm quyền cần có một chương trình mục tiêu quốc gia xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý các "dòng sông chết". Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa, huy động sự tham gia của doanh nghiệp xử lý nước thải, rác thải và gắn trách nhiệm đóng góp của các doanh nghiệp tham gia xả thải...", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.