Chuyện về o Chẩm và kỷ niệm gặp Chủ tịch Cuba Fidel Castro ở Dốc Miếu
Bà Hoàng Thị Chẩm (SN 1946, trú thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị) được người dân địa phương quen gọi "o Chẩm". Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, o Chẩm nổi tiếng với 9 lần được trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và vinh dự đại diện cho lực lượng du kích ở Quảng Trị lúc đó vừa được giải phóng để đón chào Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm. Đến nay đã 50 năm trôi qua, ký ức đẹp đẽ, tự hào ngày ấy vẫn tươi mới, vẹn nguyên trong trái tim bà.
Lần trở lại này để thăm o Chẩm, tôi thấy mình như có lỗi. Hơn 10 năm trước tìm về đây để viết bài "O Chẩm làm từ thiện", tôi được nghe o kể rất nhiều đến người chú ruột của tôi hy sinh. Khi đó vào năm 1967, cả làng Xuân Long ngập trong bom đạn địch. Chú tôi là Phó Trưởng ban Kinh tài huyện Gio Linh, hoạt động nằm vùng ở các làng quê dọc Nam sông Bến Hải. Máy bay B52 địch ném bom trúng hầm trú ẩn, chú bị mất hẳn chân trái lên tới bẹn. Bộ đội, du kích tập trung cầm máu nhưng chú không qua khỏi. Sau hy sinh, mọi người tổ chức chôn cất chú chu đáo. Riêng o Chẩm trực tiếp tham gia cả 3 lần, với lần đầu nằm xuống và 2 lần sau đó bị máy bay địch ném bom cày xới lên lại.
O Chẩm lại kể cho tôi những câu chuyện không thể nào quên của thời chiến và niềm hạnh phúc sống trong hòa bình. O nói, mấy hôm vừa rồi có nhiều nhà báo đến hỏi o câu chuyện được gặp lãnh tụ Fidel Castro ở vùng vừa mới giải phóng năm 1973. Rồi o hồ hởi kể lại cho tôi nghe câu chuyện ấy. "Hôm đó vào đầu buổi chiều 15/9. O và nhiều người được chọn để đón chào lãnh tụ Fidel đứng đợi sẵn ở Bắc đồi Dốc Miếu. Khi đoàn người từ phía Nam vừa tiến đến, bọn o (những du kích tiêu biểu) nhận ra ngay lãnh tụ Fidel, bởi ông có hình dáng cao to và khuôn mặt của một vị tướng lĩnh rất đặc biệt, nổi bật giữa đông người. Ông bắt tay, chào hỏi từng người. Qua lời người phiên dịch, ông biết o là một dũng sĩ kiên cường nên nán lại nói chuyện một lúc, hỏi thăm sức khỏe, gia đình và khen ngợi o về tinh thần chiến đấu", 50 năm trôi qua, cảm xúc o Chẩm vẫn tươi mới và bồi hồi, biết ơn và kính trọng vị lãnh tụ.
Ngược thời gian về 50 năm trước, vào 2 ngày 14 và 15/9/1973, Chủ tịch Cuba Fidel Castro và phái đoàn đã bất chấp nguy hiểm đến thăm vùng Quảng Trị vừa mới được giải phóng còn nồng khói bom đạn. Đây là chuyến thăm của nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến vùng giải phóng của Việt Nam trong lúc chiến trường miền Nam Việt Nam còn diễn ra ác liệt. Theo ghi chép của Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, sáng 15/9, Chủ tịch Fidel Castro và phái đoàn đến thăm Đông Hà rồi ngược lên Đường 9 đến Cao điểm 241 nằm ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. Đây vốn là căn cứ của địch, thường gọi căn cứ Carol, lúc này ngổn ngang xác xe tăng và đạn pháo. Tại đây, quân và dân Quảng Trị xúc động chứng kiến hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro phất cao lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng câu nói của ông khiến rung động bao trái tim nhân dân Việt Nam và Cuba cũng như hàng triệu triệu trái tim yêu chuộng hòa bình trên thế giới "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình".
Sau khi thăm và làm việc với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, đến đầu giờ chiều cùng ngày, Chủ tịch Fidel Castro và phái đoàn ngược ra phía Bắc đến thăm căn cứ Dốc Miếu, huyện Gio Linh. "Ban đầu, bọn o được lệnh của cấp trên tập trung tại Bắc đồi Dốc Miếu. Đến khi thấy có một đoàn người từ phía Nam tiến ra gần đến bọn o mới được báo tin vui. Giờ khắc đó, bọn o mừng, háo hức và vinh dự lắm. Sau cuộc gặp có một không hai ấy, bọn o càng được truyền thêm sức mạnh chiến đấu từ vị lãnh tụ vĩ đại này của nhân dân Cuba anh em", o Chẩm kể thêm.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quê hương của o Chẩm nằm bên bờ Nam sông Bến Hải trở thành vành đai trắng trong hệ thống hàng rào điện tử McNamara của Mỹ. Bố của o bị địch bắt tù đày, mẹ ở nhà vẫn giữ khí phách trung kiên, nuôi giấu cán bộ trong căn hầm bí mật ở ngay dưới nền nhà. Cô con gái nhỏ chứng kiến địch càng ngày càng giết hại người dân quê hương, nhất là khi hai người chú ruột rồi các anh chị là con của cô ruột bên mẹ đều hy sinh, nên đã xin mẹ thoát ly gia đình theo bộ đội để hoạt động cách mạng. O Chẩm lúc đó mới 12 tuổi được đưa vào ở giúp việc cho một gia đình ở thị xã Quảng Trị. Tuổi còn nhỏ song bằng ý chí, sự kiên nghị và nhanh nhẹn, o đã qua mắt được quân địch để hỗ trợ ăn uống, liên lạc thư từ của quân ta từ Gio Linh vào Đông Hà, thị xã Quảng Trị và ngược lại. Nhờ vậy, nhiều thư từ qua lại được o chuyển giao cho các căn cứ của ta đảm bảo bí mật tuyệt đối.
Năm 1967 khi địch leo thang đánh phá miền Bắc, o Chẩm xin được trở lại quê để trực tiếp cầm súng chiến đấu. Rồi o được cấp trên cho tham gia học lớp bắn súng khẩu 12 li 7 do cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 trực tiếp hướng dẫn. Thấy tài bắn súng của nữ du kích trẻ, cấp trên giao o đảm nhận vị trí Tiểu đội trưởng 12 li 7 của xã Trung Hải. Sau đó, o Chẩm được đào tạo thêm một lớp chuyên về bắn tỉa. Trong giai đoạn từ năm 1967 - 1972 chiến tranh diễn ra vô cùng khốc liệt, o đã cùng với đồng đội của mình tham gia các đợt vây ép địch tại căn cứ quân sự Dốc Miếu. Rồi cũng chính o là nữ du kích duy nhất xung phong cùng với 6 du kích nam vào xây dựng các điểm bắn tỉa địch ở đây.
"Vào đó, mỗi người mang một ba lô với một ít áo quần và lương thực, cùng một khẩu súng bắn tỉa, một thắt lưng với 3 quả lựu đạn. Cả 7 người sinh sống trong một căn hầm để thuận tiện cho việc phân công, tiến hành nhiệm vụ, song việc sinh hoạt lại rất khó khăn. Ngoài ra, để đảm bảo đời sống cho anh em, o đã phải ngụy trang buộc lá dây vào mình, đi tìm các thứ như rau, củ, quả", o Chẩm kể lại.
Bên cạnh thành tích bắn tỉa tiêu diệt 36 tên địch ở Dốc Miếu, trong 9 lần vinh dự được trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ với 7 lần diệt bộ binh, 1 lần diệt máy bay và 1 lần diệt cơ giới (xe tăng), thì lần tiêu diệt xe tăng này được ghi chép rất cảm động.
"Trong trận đánh vào tháng 5/1970, nữ du kích Hoàng Thị Chẩm được lệnh gài mìn chống tăng, chờ địch từ hướng Đông của làng Cao Xá (xã Trung Hải) đi lên. Nhưng không ngờ địch đổi hướng, đi thẳng vào chỗ ẩn nấp của Tiểu đội cô Chẩm. Lúc này, Tiểu đội không có súng chống tăng nên cô Chẩm xin Tiểu đội trưởng cho cô được hy sinh để dụ địch đi về hướng đã gài mìn sẵn. Mặc dù chưa được sự đồng ý của đồng chí Tiểu đội trưởng, trước sự việc không thể chậm trễ bởi tính mạng của bao đồng đội đang cận kề nguy hiểm, cô Chẩm ôm khẩu AK43 chạy thẳng vào sát hướng lính bộ binh đi đầu khoảng 50m rồi nổ gần hết băng đạn. Vì muốn bắt sống cô, quân địch cứ thế đuổi theo nên rơi vào bãi mìn của ta. Sau nhiều tiếng nổ lớn, xe tăng địch bốc cháy, bản thân cô Chẩm cũng bị đất đá vùi lấp và bất tĩnh. Nhưng sau đó cô đã tĩnh lại và cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu".
Năm 1973, sau khi Quảng Trị được giải phóng, o Chẩm được cử đi học y tá và làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trung Hải cho đến khi nghỉ hưu năm 1987. Tuy nhiên, hàng chục năm sau đó cho đến tận bây giờ, người dân hai bên sông Bến Hải lịch sử mỗi khi đau ốm những bệnh thông thường hoặc chị em sinh nở, o vẫn sẵn sàng giúp đỡ, thăm khám, phát thuốc và đỡ đẻ cho bà con. Trở lại câu chuyện được vinh dự đón chào vị lãnh tụ Fidel Castro vĩ đại của nhân dân Cuba anh em, o Chẩm nói rằng kỷ niệm ấy cùng với những ký ức về chiến tranh theo o mãi cho đến bây giờ. Mỗi khi nhớ về bom đạn chiến tranh tàn khốc, o càng hiểu hơn về giá trị của hòa bình.