Chuyển sang mô hình thích ứng sống chung an toàn với dịch COVID-19

Thứ Ba, 12/10/2021, 18:12

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp kinh tế - xã hội năm 2022 và ngân sách Nhà nước. Đồng thời, đề nghị Chính phủ thực hiện chuyển sang mô hình thích ứng sống chung an toàn với dịch COVID-19.

Ngày 12/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022.

6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể phát triển kinh tế

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả quan trọng. Qua đánh giá cho thấy có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,79% cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42% cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%.

 Cơ cấu lại nền kinh tế: nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu -0
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch -Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Trong đó việc cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu Kế hoạch đề ra; thu ngân sách Nhà nước chưa thực sự bền vững, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19; việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công còn bất cập, gây lãng phí, thất thoát; nợ công còn tiềm ẩn rủi ro...

Chính phủ cũng nhận định thời gian tới khó khăn, thách thức nhiều hơn. Đặc biệt, dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp và còn có thể kéo dài, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Trước bối cảnh đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới. Chính vì vậy, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 đặt ra 5 quan điểm; 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cũng như xác định 135 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, phát tính huy chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát.

 Cần đổi mới cách nghĩ, cách làm

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 một cách đúng hướng, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó có 5 mục tiêu quan trọng hoàn thành vượt xa so với mục tiêu đề ra, cho thấy viêc triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đi đúng hướng, có sự chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo.

 Cơ cấu lại nền kinh tế: nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu để ra tại Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025 trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ cơ cấu lại từ giai đoạn trước, đồng thời tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng để cho thấy rõ nét trọng tâm, trọng điểm và điểm mới trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng, cần  có biện pháp quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đổi mới hơn nữa trong cách nghĩ, cách làm để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.

  • Trong phiên họp sáng 12/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện đầu tư công năm 2021 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên họp cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp kinh tế - xã hội năm 2022 và ngân sách Nhà nước. Đồng thời, đề nghị Chính phủ thực hiện chuyển sang mô hình thích ứng sống chung an toàn với dịch COVID-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, tăng cường khả năng điều trị bệnh, có kịch bản ứng phó đối với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh để có kịch bản điều hành kinh tế - xã hội, tài khóa, tiền tệ, không để xảy ra tình trạng bị động, mất kiểm soát kinh tế.

 Cơ cấu lại nền kinh tế: nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên họp

Cần phải thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, trì hoãn những nhiệm vụ có thể trì hoãn để tập trung nguồn lực phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và khôi phục kinh tế. Tính toán để nới lỏng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với liều lượng phù hợp trên cơ sở đánh giá kỹ và kiểm soát được kết quả, sắp xếp lại các nhiệm vụ, giải pháp theo thứ tự ưu tiên để cân đối với các nguồn lực. Cần đánh giá dư địa của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ làm căn cứ điều hành và phối hợp chính sách. Rà soát dự toán 2022 để tăng dự phòng, chủ động nguồn cho phòng chống dịch bệnh và  thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế; yêu cầu báo cáo làm rõ nguyên nhân, lý do của việc phải lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương; về kế hoạch tài chính 3 năm; về tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành theo kế hoạch, khả năng giải ngân đối với công trình quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia…

Phương Thuỷ
.
.
.