Chuyển cơ quan điều tra xử lý trường hợp đấu nối trái phép gây mất an toàn giao thông
Thông tin trên được lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra ngày 23/5 tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ trong tình hình mới và Kế hoạch 4485/2023 của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về thực hiện Chỉ thị số 10.
Tại Hội nghị, ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, kế hoạch thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT của Cục Đường bộ được cụ thể hóa thông qua việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nhà thầu tư, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước và các nhiệm vụ về bảo đảm ATGT.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu và các lực lượng khác có liên đến đầu tư xây dựng, sửa chữa công trình và các hoạt động bảo trì có tính chất đầu tư, quản lý bảo vệ hành lang an toàn đường bộ. Quá trình xử lý tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về ATGT phải được xử lý theo quy định.
Đề cập đến khó khăn, vướng mắc khi thực hiện kế hoạch của Cục Đường bộ, ông Trần Quang Thanh, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ II cho biết, việc xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT nằm trong sửa chữa đột xuất. Tuy nhiên, việc xử lý đang gặp vướng mắc về kế hoạch chi hàng năm. Trong năm kế hoạch chỉ cho phép điều chỉnh 2 lần. Nếu việc xử lý các điểm bất cập triển khai từ đầu năm phải chờ đến tháng 6, tháng 7 mới lựa chọn được nhà thầu. Trong khoảng thời gian ấy, nguy cơ TNGT là rất lớn.
“Đây là vướng mắc chung mà các Khu Quản lý đường bộ, Sở GTVT mong được tháo gỡ", Giám đốc Khu Quản lý đường bộ II bày tỏ. Từ thực tế kiểm tra hai địa phương là Khánh Hòa và Đắk Lắk, tình trạng vi phạm tràn lan, tiềm ẩn TNGT nhưng địa phương không vào cuộc, ông Võ Trường Giang, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ III cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong quản lý hành lang ATGT và đấu nối. Trong khi tuyến đường được đầu tư với số tiền lớn thì người dân và doanh nghiệp lại phá hàng rào, hộ lan để đấu nối trái phép. Một cây xăng rất lớn, sau vài tháng thi công lại yêu cầu Khu phải mở đường đấu nối là không ổn. Địa bàn của Khu quản lý có 16 điểm đấu nối trái phép đều là các doanh nghiệp lớn vi phạm. Cần có chế tài đối với người đứng đầu cấp phép kinh doanh cho các doanh nghiệp này.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, vận tải đường bộ chiếm tới 95% thị phần vận tải hành khách và 75% vận tải hàng hóa nên ATGT còn diễn biến phức tạp, TNGT vẫn còn ở mức cao. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 10/2023 với các giải pháp đưa ra nhằm đảm bảo ATGT và tiếp tục giảm sâu TNGT. Trên tinh thần ấy, Cục sẽ ban hành kế hoạch để thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Thủ tướng. Đưa ra những chỉ đạo cụ thể hơn, ông Cường yêu cầu các đơn vị liên quan phải thay đổi tư duy, không chờ vốn hay đầy đủ hồ sơ thủ tục mới triển khai.
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cũng thẳng thắn: "Những hạng mục không phức tạp như thiếu vạch sơn, biển báo, gờ giảm tốc phải xử lý ngay bằng nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên”. Các điểm đen TNGT có quy mô, kinh phí lớn áp dụng hình thức phân kỳ đầu tư. Đối với các điểm đen TNGT đã được phê duyệt phải hoàn thành trước 30/6. Về hành lang ATGT đường bộ, đấu nối, ông Cường yêu cầu các Khu Quản lý đường bộ, Sở GTVT kịp thời phát hiện và có thái độ kiên quyết với vi phạm, không làm chiếu lệ, xong thủ tục để khép hồ sơ.
Các trường hợp vi phạm cần phải có văn bản đề xuất UBND tỉnh, thành phố cưỡng chế, giải tỏa. Riêng các trường hợp đấu nối trái phép, vi phạm nghiêm trọng cần thống kê, đề nghị chuyển sang cơ quan điều tra xử lý nghiêm.