Chưa nên xây trại giam riêng cho người chưa thành niên phạm tội
Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cho rằng, chưa nên xây trại giam riêng cho người chưa thành niên phạm tội vì gây khó khăn, tốn kém cho cả công tác quản lý giam giữ và gia đình các phạm nhân.
Lo ngại tội phạm người chưa thành niên gia tăng
Về trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại Điều 39 dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) dẫn khoản 1, khoản 2 quy định các tội danh không được áp dụng: giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý.
Theo ông, thời gian qua, tội phạm do người chưa thành niên phạm tội xu hướng ngày càng gia tăng, đối tượng từ 16 đến 18 tuổi lợi dụng sự phát triển của không gian mạng, thành lập thành các nhóm hàng chục, thậm chí cả trăm đối tượng hoạt động rất manh động, trong khi dự thảo luật chỉ quy định một số tội danh không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì thực sự chưa đầy đủ và thuyết phục.
Dự báo tình hình tội phạm thời gian tới tội phạm do người chưa thành niên gây ra tiếp tục gia tăng, các băng, nhóm có thể sử dụng người dưới 18 tuổi thực hiện các hành vi phạm tội, như: đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích huỷ hoại tài sản..., gây ảnh hưởng ANTT, an toàn xã hội. Trên cơ sở Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị bổ sung thêm trường hợp tội danh không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong dự luật để tránh áp dụng không thống nhất đồng bộ, nhằm nâng cao công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm như: mua bán người dưới 16 tuổi, huỷ hoại tài sản, cướp giật tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản; tổ chức đua xe trái phép, đua xe trái phép...
Đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cũng lo ngại nhiều trường hợp áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng như dự thảo luật sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, ngoài ra, điều kiện áp dụng còn mang tính tuỳ nghi, gây bất cập cho việc truy tố, xét xử... Bà đề xuất Ban soạn thảo xây dựng thêm quy định liên quan xử lý chuyển hướng, chẳng hạn phát triển các chương trình dịch vụ tại cộng đồng giúp người chưa thành niên nhanh chóng hoà nhập xã hội và không phạm tội...
Về người có quyền khiếu nại, kiến nghị, hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 68), ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) đề nghị cân nhắc quy định Viện kiểm sát (VKS) cùng cấp có thẩm quyền hủy bỏ quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng của Cơ quan điều tra; nên quy định VKS có quyền kiến nghị khi có căn cứ cho rằng quyết định đó trái pháp luật để bảo đảm thống nhất về chính sách xem xét lại quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng của VKS, Tòa án.
"Quy định quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng của Cơ quan điều tra, VKS bị khiếu nại, kiến nghị phải được Cơ quan điều tra, VKS cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết còn bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc giải quyết vụ việc có người chưa thành niên nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời phù hợp Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới", ông phân tích.
Làm rõ mô hình quản lý giám sát điện tử
Dẫn điểm mới tại Điều 136 dự thảo luật quy định giám sát điện tử là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam đối với người chưa thành niên phạm tội, ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) kiến nghị, phải làm rõ mô hình quản lý giám sát điện tử, gồm có hệ thống máy chủ, cơ quan nào quản lý, cách thức quản lý ra sao, kinh phí bảo đảm, thời điểm áp dụng... để đảm bảo tính khả thi.
Về khoản 6 Điều 158 dự thảo luật quy định "căn cứ điều kiện thực tế, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức trại giam riêng cho phạm nhân là người chưa thành niên", đại biểu cho biết, hiện cả nước có trên 1.800 người chưa thành niên phạm tội đang chấp hành án tại các trại giam do Bộ Công an quản lý. "Nếu xây trại giam riêng thì vấn đề đặt ra là phải bố trí thế nào, quy mô ra sao, nguồn lực có đảm bảo không và tác động như thế nào đến xã hội, tâm lý người chưa thành niên? Theo tôi, phạm nhân là người chưa thành niên vẫn bố trí giam giữ tập trung ở các trại giam trên địa bàn cả nước để thuận lợi cho việc quản lý giam giữ, nhưng có khu giam riêng", ĐBQH Trần Thị Thu Phước nêu quan điểm.
ĐBQH Lê Thị Thanh Lam cho rằng, trong điều kiện đất nước còn khó khăn, nên đề nghị bố trí trong trại giam, trại tạm giam khu giam riêng cho người chưa thành niên, thay vì xây trại giam riêng.
Cùng chung suy nghĩ, theo ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), việc xây trại giam riêng sẽ gây khó khăn cho các phạm nhân và gia đình phạm nhân, vì nếu xây trại giam ở khu vực miền Trung thì thân nhân của các cháu từ miền Nam ra hay miền Bắc vào đi lại rất khó khăn, tốn kém; đồng thời, khó khăn trong công tác quản lý về nguồn nhân lực, kinh phí để phục vụ cho quy định này. Trong khi, điểm d, khoản 2, Điều 30, Điều 73 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 chỉ quy định phạm nhân dưới 18 tuổi được bố trí giam giữ riêng. "Chúng ta chỉ nên phạm nhân được bố trí tại phân trại hoặc khu giam giữ riêng, như vậy đã đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các cháu", đại biểu bổ sung.