Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc
Hai Chủ tịch Quốc hội cùng cho rằng, hai bên cần sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng bền vững.
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo và phu nhân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Hàn Quốc thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12-18/1.
Sáng 17/1, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra lễ đón trọng thể. Sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Chủ tịch Quốc hội Kim Jin Pyo dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Hàn Quốc thăm chính thức Việt Nam, đây là chuyến thăm lãnh đạo cấp cao nhất của Hàn Quốc sang thăm chính thức Việt Nam sau khi 2 nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, nhân dịp 2 nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2022.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc lần này sẽ là cơ hội phát huy vai trò của Quốc hội hai nước như trụ cột để tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ giữa hai nước. Hoạt động ngoại giao nghị viện giữa hai nước ngày hôm nay sẽ mở đầu cho 30 năm tiếp theo rất tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo bày tỏ vui mừng thăm chính thức Việt Nam ngay trong năm đầu tiên của giai đoạn 30 năm hợp tác tiếp theo giữa hai nước; chúc mừng Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng vững chắc với GDP đạt 8,02% trong năm 2022. Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc cho biết, hiện có hơn 60.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, cùng hơn 80.000 gia đình đa văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc sinh sống tại Hàn Quốc.
Để triển khai hiệu quả mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc, tại cuộc hội đàm, hai Chủ tịch Quốc hội cùng thống nhất, tăng cường, củng cố tin cậy chính trị. Bởi tin cậy chính trị là nền tảng để giải quyết các vấn đề song phương, nhằm tiếp tục tăng cường các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, ngoại giao nhân dân. Trong đó, yếu tố ngoại giao nhân dân đóng vai trò then chốt trong mối quan hệ hai nước.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc hai bên duy trì tốt các cơ chế đối thoại về an ninh, quốc phòng hiện có; đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh quốc phòng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Quốc hội Hàn Quốc ủng hộ, thúc đẩy hai bên sớm triển khai hợp tác cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực giữa hai nước; cảm ơn Hàn Quốc đã chuyển giao tàu hải quân thứ ba cho Việt Nam; mong Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ thêm tàu hải quân giúp Việt Nam nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có Dự án hành động bom mìn vì làng Hòa Bình Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2022-2026.
Hai Chủ tịch Quốc hội cùng cho rằng, hai bên cần sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng bền vững, cân bằng hơn trên cơ sở khai thác tốt những Hiệp định thương mại song phương và đa phương hiện có.
Nhất trí trong điều kiện chuỗi cung ứng, đầu tư thương mại có dấu hiệu khó khăn, đứt gãy, cần tiếp tục củng cố chuỗi cung ứng hiện có, đồng thời thúc đẩy chuỗi cung ứng về bán dẫn; hình thành chuỗi cung ứng mới đối với sản phẩm chủ lực của hai nước, nhất là hợp tác trong chuyển đổi số, đảm bảo an ninh năng lượng công bằng để hiện thực hoá cam kết mỗi nước tại Hội nghị COP26. Đây là hợp tác tiềm năng của cả hai bên.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, về chuyển đổi năng lượng, hai bên có thể hợp tác về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, nhất là đảm bảo hài hòa lợi ích và chi phí, tính công bằng trên toàn cầu, khu vực cũng như mỗi quốc gia. Quốc hội hai nước có thể tổ chức những diễn đàn trao đổi để tạo lập khung khổ pháp lý hình thành hệ sinh thái trong chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng. Việt Nam sẵn sàng trao đổi, cung ứng cho Hàn Quốc về những lĩnh vực khác.
Về hợp tác phát triển ODA, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc Hàn Quốc tiếp tục coi Việt Nam là đối tác chiến lược trong hợp tác ODA; cảm ơn thiện chí của Hàn Quốc đã dành cho Việt Nam khoản ODA lên đến 16 tỷ USD, tuy nhiên cho đến nay Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này, do những rào cản về kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Quốc hội Hàn Quốc xem xét lại vấn đề này để tháo gỡ vướng mắc.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc Hàn Quốc khẳng định, Quốc hội Hàn Quốc sẽ nỗ lực hơn nữa để nguồn vốn này tăng lên và có hiệu quả, thực chất hơn nữa trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam sẽ tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với Dự án đường sắt số 3 như kiến nghị của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc. Quốc hội Việt Nam sẽ quan tâm giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các dự án hợp tác giữa hai Chính phủ.
Hai Chủ tịch Quốc hội đều đánh giá cao hợp tác lao động, đây là lĩnh vực mang lại lợi ích thiết thực và được hai bên quan tâm, thúc đẩy. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Hàn Quốc mở rộng tiếp các ngành nghề mới để tăng tiếp nhận lao động Việt Nam như lao động kỳ nghỉ, lao động kỹ năng lành nghề, điều dưỡng, kỹ sư công nghệ thông tin; đẩy mạnh đào tạo tay nghề cho người lao động Việt Nam đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Hai bên đều mong muốn sớm triển khai Hiệp định bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc, góp phần đảm bảo quyền lợi của người lao động mỗi nước.
Về hợp tác du lịch, văn hóa, giáo dục, bảo hộ công dân và hợp tác địa phương, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 tại mỗi nước đã cơ bản được kiểm soát, lãnh đạo cấp cao Quốc hội hai nước cùng đồng tình cho rằng, mỗi nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân mỗi nước nhập cảnh vào nhau, góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch song phương. Các chuyến bay cần sớm được nối lại để hai nước tăng cường lao động, du lịch.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn phía Hàn Quốc luôn hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc trong suốt thời gian qua; mong ngài Chủ tịch và Quốc hội Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Về hợp tác khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng cùng Hàn Quốc tăng cường trao đổi, hợp tác trên các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; cảm ơn phía Hàn Quốc đã bày tỏ ủng hộ Việt Nam đăng cai Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 vào năm 2025; Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Hàn Quốc để thực hiện thành công vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc nhiệm kỳ 2021 – 2024.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam luôn quan tâm và sẵn sàng đóng góp tích cực vào tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, ủng hộ những nỗ lực nhằm duy trì hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á thông qua đối thoại, bằng biện pháp hòa bình.
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc nhấn mạnh, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông dựa trên các quy tắc và luật lệ quốc tế; cho biết sẽ cử phái đoàn tham dự Diễn đàn nghị sĩ trẻ toàn cầu do Việt Nam đăng cai tổ chức dự kiến vào tháng 9 năm nay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo đồng quan điểm cho rằng, hai bên cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; xem xét bổ sung, ký mới thoả thuận hợp tác giữa hai nước phù hợp với nội hàm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước; nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm bằng nhiều hình thức khác nhau trong lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Thúc đẩy giám sát việc thực hiện thoả thuận giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác; chia sẻ kinh nghiệm, kiến nghị đề xuất trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mỗi bên; tiếp tục lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, công dân hai nước nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi; xúc tiến giao lưu văn hóa, bảo hộ công dân, phát huy vai trò cầu nối của nhóm nghị sỹ hai nước; tiếp tục các cơ chế của nhóm nghị sỹ hưu nghị trẻ, nghị sỹ hưu nghị nữ và hợp tác giữa Tổng thứ ký Quốc hội của mỗi nước.