Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Toàn quyền Australia David Hurley
Sáng 4/4, ngay sau lễ đón chính thức, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã hội đàm với Toàn quyền Australia David Hurley nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Toàn quyền.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nồng nhiệt chào mừng Toàn quyền David Hurley thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Australia tới Việt Nam kể từ sau đại dịch COVID-19; cũng là chuyến thăm cấp cao mở đầu năm kỷ niệm lần thứ 50 Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia (1973 - 2023) và là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên Chủ tịch nước đón tiếp trên cương vị mới. Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp, góp phần tạo xung lực mới cho quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước.
Toàn quyền David Hurley bày tỏ vui mừng được đến thăm Việt Nam và cùng lãnh đạo, nhân dân Việt Nam kỷ niệm lần thứ 50 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước; cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và chu đáo mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành cho đoàn cũng như những lời chúc mừng tốt đẹp Chủ tịch nước dành cho đất nước và con người Australia. Toàn quyền đánh giá cao các thành tựu quan trọng của Việt Nam trong kiểm soát dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm lợi ích người dân; cho rằng, điều này không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam, mà còn đóng góp cho quan hệ hai nước và khu vực; bày tỏ tin tưởng, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, ngày càng khẳng định vai trò và vị thế ở khu vực và quốc tế.
Trao đổi về quan hệ song phương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Toàn quyền David Hurley bày tỏ hài lòng về sự phát triển thực chất và hiệu quả của quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đặc biệt, nhiều lĩnh vực hợp tác nêu trong Chương trình Hành động giai đoạn 2020-2023 đã trở thành trụ cột hoặc điểm sáng trong quan hệ hai nước như: An ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, giao lưu nhân dân…. Cho rằng hai nước vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng hợp tác, hai nhà lãnh đạo đã cùng thảo luận sâu rộng về các định hướng lớn để tăng cường quan hệ Việt Nam - Australia trên các lĩnh vực; đồng thời, nhất trí trao đổi về việc nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vào thời gian phù hợp.
Theo đó, hai nhà Lãnh đạo cho rằng, hai bên cần tiếp tục duy trì tin cậy, củng cố tình hữu nghị, sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp không chỉ ở Trung ương mà còn ở địa phương; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hữu nghị của các giới trong xã hội, nhất là phát huy vai trò của các Hội Hữu nghị và Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị tại mỗi nước, các hội thanh niên, sinh viên, phụ nữ… ; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tại cả hai nước để gia tăng nhận thức của người dân hai nước về quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Australia; đẩy mạnh triển khai hiệu quả các văn kiện đã ký kết giữa hai nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị trên tinh thần văn kiện Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế Việt Nam-Australia (EEES) đã ký kết, hai bên cần gia tăng hợp tác thương mại và đầu tư hai chiều bằng các biện pháp hữu hiệu, trong đó có việc xem xét tạo thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của nhau; có chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường đầu tư vào nhau; theo đó, khuyến khích doanh nghiệp Australia đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực: Năng lượng, kết cấu hạ tầng, khai khoáng, viễn thông, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục...
Chủ tịch nước đánh giá, hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình là điểm sáng trong hợp tác song phương; đề nghị Australia tiếp tục hợp tác chặt chẽ phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp; kiểm soát, xử lý các cá nhân, tổ chức khủng bố có thể sử dụng lãnh thổ Australia để tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam.
Toàn quyền Australia nhất trí việc hai bên quan tâm hơn nữa các hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân. Theo đó, hai bên sớm hoàn tất thủ tục để triển khai Bản ghi nhớ về Chương trình thị thực nông nghiệp Australia để công dân Việt Nam có thể sang làm việc tại Australia trong lĩnh vực nông nghiệp; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên Việt Nam sang học tại Australia, đồng thời khuyến khích thêm nhiều công dân Australia sang du lịch, học tập tại Việt Nam theo Chương trình Lao động Kỳ nghỉ và Kế hoạch Colombo Mới; thúc đẩy triển khai các hoạt động quảng bá du lịch sau đại dịch, tăng cường kết nối địa phương… Toàn quyền đánh giá cao việc thành lập Trung tâm Việt Nam -Australia tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; khẳng định, sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt tại Australia sinh sống, học tập, lao động, thành lập các hội, đoàn tích cực phù hợp với luật pháp sở tại; đồng thời đề nghị Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Australia sang Việt Nam du lịch, học tập, đầu tư và kinh doanh.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, Chủ tịch nước đánh giá cao Australia dành ưu tiên cao cho quan hệ với Đông Nam Á và Việt Nam, coi trọng và tăng cường quan hệ với ASEAN. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường tham vấn và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông; cùng với các nước hợp tác xây dựng một khu vực ổn định, phồn vinh, tôn trọng chủ quyền quốc gia và bảo đảm thượng tôn pháp luật.