Chủ tịch nước thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 13/11/2023, 16:39

Trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có những thay đổi nhanh chóng, khó lường, cách mạng công nghệ, toàn cầu hóa tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, con người, các giá trị tự nhiên và các giá trị nhân văn, làm xuất hiện nhiều vấn đề mới, đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi khoa học xã hội và nhân văn phải có sự theo kịp, đáp ứng tốt, có khả năng phân tích, dự báo, lý giải thuyết phục và tham gia dẫn dắt, định hướng xã hội.

Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong bài nói chuyện ngày 13/11, khi về thăm và gặp mặt các thế hệ thầy cô giáo, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Chủ tịch nước thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh -0
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, sáng 13/11.

Trở về thăm trường, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn công tác đã thực hiện nghi thức dâng hoa tại Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh. Từ những giá trị tốt đẹp được hình thành trong lịch sử phát triển hơn 65 năm, các thế hệ sinh viên của trường luôn tiếp nối truyền thống tốt đẹp, sáng ngời của học sinh, sinh viên Việt Nam, đó chính là truyền thống yêu nước.

Đặc biệt, trở lại trường cũ trong không khí Ngày Nhà giáo Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trồng tặng trường một cây mai vàng được đưa từ quê hương Vĩnh Long. 

Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng khi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hôm nay đã định vị được sứ mệnh, tầm nhìn, tạo dựng được vị thế là Trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học nhân văn chất lượng cao, lớn nhất khu vực phía nam của đất nước và quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Trường đã thu hút và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tài năng. Nhiều cựu sinh viên của nhà trường nay đã thành danh trong nhiều lĩnh vực và có đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước. Phần lớn sinh viên là những người ưu tú, có hoài bão cống hiến, năng động, sáng tạo.

Ghi nhận và biểu dương những thành tích nhà trường đã đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang nỗ lực hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Khát vọng và tầm nhìn ấy chỉ có thể thành hiện thực bền vững khi có nền tảng khoa học và giáo dục chất lượng. Trong đó, khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò quan trọng, bởi đó là khoa học về con người, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến con người, giúp cho con người trở nên ưu tú hơn, đóng góp tốt nhất cho sự phát triển, để xã hội ngày càng tốt đẹp.

Chủ tịch nước thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh -0
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng giao lưu với sinh viên Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; trò chuyện, trao đổi với sinh viên xung quanh việc học tập.

Theo Chủ tịch nước, con người luôn nằm ở trung tâm của mọi chính sách và hoạch định tương lai. Sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển mà là ở nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, tri thức và phẩm giá. Bác Hồ từng nhấn mạnh: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”. Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta luôn coi “giáo dục và đào tạo cùng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Trí thức và nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có những thay đổi nhanh chóng, khó lường, cách mạng công nghệ, toàn cầu hóa tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, con người, các giá trị tự nhiên và các giá trị nhân văn, làm xuất hiện nhiều vấn đề mới, đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi khoa học xã hội và nhân văn phải có sự theo kịp, đáp ứng tốt, có khả năng phân tích, dự báo, lý giải thuyết phục và tham gia dẫn dắt, định hướng xã hội.

Trước thực tế hiện nay, Chủ tịch nước đã chia sẻ, nhắn gửi đến Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn 4 mục tiêu:

Thứ nhất, kiên trì đổi mới tư duy và hành động, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, khẳng định vị thế của Nhà trường trong nước, trong khu vực và quốc tế.

Thứ hai, đổi mới quản lý, quản trị Nhà trường theo hướng tự chủ, chuyên nghiệp và hiện đại. 

Thứ ba, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, xây dựng môi trường văn hóa, môi trường học thuật để sinh viên tự tin, độc lập, sáng tạo, say mê trong nghiên cứu, học tập, phục vụ xã hội. Chú trọng đặc biệt tới giáo dục phẩm chất, phát triển năng lực cần thiết cho sinh viên để tăng khả năng thích ứng với xã hội và hội nhập quốc tế, có kỹ năng, tư duy học tập suốt đời; khơi dậy khát vọng và ý chí, quyết tâm vươn lên của mỗi cá nhân góp phần vào sự vươn lên của cả dân tộc.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy là lực lượng quyết định đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu của Nhà trường. Cần có chế độ đãi ngộ và chính sách hợp lý với cán bộ có trình độ cao; tạo điều kiện, môi trường cho các thầy cô tự học tập, nghiên cứu, trau dồi, phát triển tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy năng lực sư phạm. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi, trình độ cao, có năng lực sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Có cơ chế để thu hút cán bộ và các nhà khoa học giỏi ở trong nước và nước ngoài về làm việc tại Trường. 

Chủ tịch nước thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh -0
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng đoàn công tác chụp hình cùng lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các thầy cô giáo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. 

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, với truyền thống, nền tảng vững chắc mà các thế hệ giảng viên, viên chức, sinh viên, học viên đã xây dựng, với quyết tâm, kiên trì, tập thể cùng nhìn về một hướng, chung sức, đồng lòng, nhà trường sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự phát triển của xã hội và đất nước, tạo ra sự bứt phá cho khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Trường đào tạo 34 ngành bậc đại học, 34 ngành bậc thạc sĩ và 18 ngành bậc tiến sĩ theo 7 lĩnh vực: Khoa học xã hội và hành vi, khoa học nhân văn; khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; báo chí và thông tin; kinh doanh và quản lý; dịch vụ xã hội; khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân.

Trong thời gian qua, trường đã đào tạo cho xã hội hơn 75.000 cử nhân khoa học, hơn 6.000 thạc sĩ và trên 600 tiến sĩ. Trường thu hút đông sinh viên nước ngoài đến học tập, tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo với 13 chương trình đào tạo bậc đại học liên quan đến các quốc gia, hợp tác với 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong giảng dạy, nghiên cứu và phụng sự xã hội, nhà trường đã có nhiều bước đột phá để đưa khoa học xã hội và nhân văn vào thực tiễn. Nhiều công trình nghiên cứu của trường được đón nhận và đánh giá cao, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương, vùng và đất nước. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác sinh viên và văn hóa đại học được chú trọng triển khai thực hiện bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú. Nhà trường luôn nằm trong nhóm đầu các trường có phong trào thanh niên, sinh viên xuất sắc của TP Hồ Chí Minh và cả nước.

Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
.
.
.