Chủ tịch nước gặp mặt cựu binh Bộ đội Tên lửa Phòng không và Sư đoàn 361
Trong kháng chiến chống Mỹ, Sư đoàn 361 đã cơ động trên 20 tỉnh, thành phố, chiến đấu trên 1.800 trận, bắn rơi 591 máy bay các loại, trong đó có 35 máy bay chiến lược B52, bắt sống nhiều giặc lái.
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2022), chiều 20/12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu Ban liên lạc Cựu chiến binh Bộ đội tên lửa phòng không và Sư đoàn 361.
Cùng dự có lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không- Không quân và 64 đại biểu đại diện thế hệ Bộ đội tên lửa phòng không đã góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ” trên không 50 năm trước.
Sư đoàn 361 được thành lập ngày 19/5/1965, đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sư đoàn đã cơ động trên 20 tỉnh, thành phố, chiến đấu trên 1.800 trận, bắn rơi 591 máy bay các loại, trong đó có 35 máy bay chiến lược B52, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ.
Đặc biệt, trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12/1972, Sư đoàn đã cùng quân và dân miền Bắc đập tan cuộc không kích chiến lược của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội, lập chiến công xuất sắc, trực tiếp bắn rơi 29 máy bay các loại, góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không,” buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” đầu năm 1973, tạo tiền đề để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hơn 50 năm qua, vì sự nghiệp bảo vệ vùng trời Thủ đô, Sư đoàn có 1.756 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh anh dũng, hơn 2.000 thương, bệnh binh để lại một phần máu xương trên các chiến trường. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng của Sư đoàn được tăng cường, phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Sư đoàn thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là quản lý vùng trời, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô, một phần Bắc Trung Bộ và toàn bộ khu vực Tây Bắc của đất nước.
Trong những năm qua, Sư đoàn đã tiếp nhận, huấn luyện và đưa vào khai thác, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật phòng không mới, đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao.
Với thành tích, chiến công đó, Sư đoàn đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều huân chương cao quý khác. Sư đoàn cũng vinh dự 8 lần được đón Bác Hồ về thăm.
Ấn tượng và khâm phục trước những chiến công của các cựu chiến binh Bộ đội tên lửa phòng không, các cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn 361 đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chiến thắng trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích, chiến công, đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 361 đã đạt được trong những năm qua.
Nêu rõ thắng lợi vĩ đại 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12 năm 1972 của quân và dân Thủ đô Hà Nội mà Quân chủng Phòng không-Không quân, Sư đoàn 361 là lực lượng nòng cốt, cùng với những thắng lợi trên chiến trường cả nước đã buộc Đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Paris “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam,” làm thay đổi căn bản cục diện chiến tranh, mở ra thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến tới giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ tịch nước nhấn mạnh thời gian đã qua 50 năm, nhưng những âm hưởng của chiến thắng đó vẫn vang vọng mãi như một khúc tráng ca bất tử của thế kỷ XX.
Đó là chiến thắng tiêu biểu cho khí phách anh hùng, tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; thể hiện đường lối quân sự đúng đắn của Đảng và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là chiến thắng của toàn dân tộc với ý chí “Dám đánh, biết đánh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân và nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng trên mặt trận đối không.
Trong đó, xây dựng sức mạnh chính trị, tinh thần, ý chí, niềm tin tất thắng của bộ đội và nhân dân ta là bài học thành công nhất, có ý nghĩa quyết định, còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước khẳng định để giành được thắng lợi to lớn đó, rất nhiều đồng bào, đồng chí đã ngã xuống trong 12 ngày đêm ác liệt. Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta mãi không quên ơn các cựu chiến binh, các anh hùng, liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Chủ tịch nước cho rằng, chiến tranh đã lùi xa, trở về với đời thường, mặc dù đã bước sang tuổi "Thất thập cổ lai hy” nhưng các cựu chiến binh vẫn luôn giữ vững và phát huy được phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; tích cực học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh; là những tấm gương sáng cho các thế hệ sau này học tập và noi theo.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không-Không quân và các cấp ủy, chính quyền tiếp tục thực hiện thật tốt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, nhất là các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, để góp phần làm vơi bớt những đau thương mất mát của đồng chí, đồng bào ta.
Chủ tịch nước mong muốn các cựu chiến binh Bộ đội tên lửa phòng không và Sư đoàn 361 tiếp tục giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của “Bộ Đội Cụ Hồ,” luôn là tấm gương sáng cho gia đình, con cháu noi theo.
Tiếp tục có các hoạt động nghĩa tình đồng đội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nhất là với những gia đình liệt sỹ, các hội viên là thương binh và hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương ổn định, vững mạnh, xây dựng quê hương giàu đẹp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.