Chủ tịch nước chủ trì hội thảo về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Thứ Bảy, 11/12/2021, 13:19

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực, giúp chúng ta đạt được những thành tựu to lớn trong 30 năm qua và sẽ tiếp tục là mục tiêu, động lực quan trọng để chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước vươn tới tự do, hạnh phúc, tiến bộ -0
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí Phó Trưởng ban và thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đồng chủ trì Hội thảo.

Ngày 11/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tổ chức Hội thảo "Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".

Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo; Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, thành viên Ban Chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo. Dự hội thảo còn có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo một số Ban, Bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí làm công tác thực tiễn.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước vươn tới tự do, hạnh phúc, tiến bộ -0
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước vươn tới tự do, hạnh phúc, tiến bộ -0
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa vào Chương trình làm việc nhiệm kỳ 2021-2026 nhiệm vụ xây dựng, ban hành Nghị quyết Trung ương về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đây là Đề án quan trọng, góp phần quyết định đối với thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới đây.

Theo Kế hoạch xây dựng Đề án, dự kiến sẽ có 3 cuộc hội thảo và đây là cuộc hội thảo thứ nhất, với mục đích làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn, cốt lõi đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ở Việt Nam, ngay từ những buổi đầu thành lập Nhà nước công nông đầu tiên, tư tưởng xây dựng một Nhà nước kiểu mới, một Nhà nước của dân, do dân, vì dân đã được hình thành.

Từ những giá trị phổ biến, phổ quát về Nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại, được kiểm chứng trong quá trình phát triển của các Nhà nước trên thế giới; nhất là xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới, Cương lĩnh bổ sung và phát triển năm 2011 đã chính thức xác định Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo là một trong 8 đặc trưng của xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng….

Hiến pháp năm 2013 (Điều 2) khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Mới đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” .

Xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước vươn tới tự do, hạnh phúc, tiến bộ -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội thảo.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước vươn tới tự do, hạnh phúc, tiến bộ -0
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước vươn tới tự do, hạnh phúc, tiến bộ -1
Các đại biểu tham dự hội thảo.

“Để hiện thực hóa chủ trương, quan điểm trên, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để định hình rõ hơn và tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đến nay, hệ thống pháp quyền của chúng ta đã được hoàn thiện một bước cơ bản, vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực.

“Bộ máy Nhà nước bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quyền con người, quyền công dân ngày càng được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Có thể thấy, ở nước ta những giá trị tiến bộ, nhân văn của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được thực hiện, góp phần quan trọng bồi đắp, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước và tương lai tươi sáng của đất nước”…” - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước vươn tới tự do, hạnh phúc, tiến bộ -0
Các đại biểu đã có những trao đổi, đóng góp ý kiến tâm huyết tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận, làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đề xuất những giải pháp mới, có tính đột phá, giúp Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu đưa vào Đề án, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045…

Trong đó, có nhiều tham luận, phát biểu, đóng góp tâm huyết gửi đến hội thảo như: GS.TSKH Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương “Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật. Giá trị đối với xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; GS.TSKH Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật học, giảng viên cao cấp Khoa Luật - Đại hội Quốc gia Hà Nội “Tính phổ biến và tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội “Quyền lực Nhà nước và kiểm soát quyền lực Nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; GS.TS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam “Tư duy mới xây dựng “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; GS.TS Nguyễn Minh Đoan, nguyên Chủ nhiệm Khoa Pháp luật Hành chính Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội “Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đánh giá cao sự trách nhiệm của các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí làm công tác thực tiễn đã dành thời gian, tâm huyết, thẳng thắn, để nghiên cứu, viết bài, tham dự và tham luận, đem lại nhiều thông tin trao đổi tại Hội thảo.

 Kết quả hội thảo cho thấy, đối với thế giới, nhà nước pháp quyền là một vấn đề không mới, đây là tri thức, giá trị tiến bộ của nhân loại đã được đúc kết và khẳng định qua lịch sử hằng trăm năm. Ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu rất sâu sắc của các nhà khoa học được công bố, giúp chúng ta hình thành được một hệ thống tư liệu khá phong phú, toàn diện về Nhà nước pháp quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Qua trao đổi, thảo luận, mặc dù vẫn còn có những điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu, luận giải, nhưng về cơ bản các đại biểu trong Hội thảo đã thống nhất:

“Pháp quyền”, “Nhà nước pháp quyền” là những giá trị có tính phổ quát trên thế giới, cả trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn chính trị - pháp lý. Những tư tưởng, giá trị phổ biến và tiến bộ của Nhà nước pháp quyền đó là: Tư tưởng đề cao vai trò của pháp luật trong tương quan của nó với quyền lực của Nhà nước. 

Theo đó, Nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, chịu sự ràng buộc của pháp luật. Tư tưởng về chủ quyền Nhân dân với tính cách là nguồn gốc tính chính đáng, tính hợp pháp của Nhà nước. Tư tưởng đề cao các giá trị công bằng, công lý, quyền con người.

Để biến những ý tưởng, tư tưởng, giá trị phổ biến, được thừa nhận chung của Nhà nước pháp quyền vào thực tiễn tổ chức và hoạt động của một Nhà nước và xã hội, đòi hỏi phải có Hiến pháp và sự thượng tôn Hiến pháp, tính minh bạch của pháp luật và của việc thực hiện pháp luật; pháp luật phải dễ tiếp cận và được thực hiện kịp thời; và phải có sự phân quyền, phân công, phối hợp quyền lực Nhà nước, trong đó phải bảo đảm sự độc lập của quyền tư pháp…

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền về chủ quyền nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới từ những ngày đầu lập quốc.  Trở thành tư tưởng xuyên suốt của Cách mạng Việt Nam, thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của đất nước. Về tính nghiêm minh của pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Về tính dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra”. Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xác định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” và “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật”.

Bằng chứng rõ ràng, đầy đủ nhất về quan điểm Nhà nước pháp luật của Đảng, Nhà nước ta thể hiện trong Cương lĩnh 1991 sửa đổi, bổ sung 2001 và các văn kiện của Đảng và Hiến pháp từ đó cho đến nay, trong đó, khẳng định Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực, giúp chúng ta đạt được những thành tựu to lớn trong 30 năm qua và sẽ tiếp tục là mục tiêu, động lực quan trọng để chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước vươn tới tự do, hạnh phúc, tiến bộ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện có đầy đủ cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn; là sự vận dụng sáng tạo, hợp lý trí thức về Nhà nước pháp quyền của thế giới vào thực tiễn Việt Nam, vừa mang đầy đủ những giá trị phổ quát, chuẩn mực của một Nhà nước pháp quyền; vừa mang những nét đặc thù chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam.

Đó là sự đổi mới tư duy lý luận về Nhà nước của Đảng ta, từ tư duy lý luận về Nhà nước chuyên chính vô sản sang tư duy lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tại Hội thảo, các tham luận, thảo luận đã tập trung vào những vấn đề nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn đang chưa rõ, chưa sâu, chưa toàn diện, là nguyên nhân tạo nên những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thời gian qua. 

Nhất là những vấn đề về Đảng cầm quyền trong thiết chế Nhà nước pháp quyền; về quyền con người, quyền công dân; về bảo đảm chủ quyền Nhân dân; về cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; về kiểm soát quyền lực Nhà nước; về bảo vệ Hiến pháp; về mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với dân chủ xã hội chủ nghĩa…

“Nhìn chung, những phân tích, luận giải của các đại biểu là rất thỏa đáng và có tính thuyết phục cao. Có một số chuyên gia với tất cả tâm huyết và vốn kiến thức sâu rộng của mình đã đem đến Hội thảo bản đề cương dự luật, hay trực tiếp chỉ ra những mục tiêu, quan điểm, định hướng, đột phá của Chiến lược với mong muốn giúp cơ quan thực hiện Đề án sớm hoàn thành nhiệm vụ…” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp này.

Trước ý nghĩa quan trọng của Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đồng chí trong Tổ Biên tập Đề án nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu những kiến nghị, đề xuất, giải pháp mà các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ thực tiễn đưa ra để có cách thức, biện pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong lý luận nhận thức cũng như trong quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đưa thành các nhiệm vụ trong Đề án xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thảo Vy
.
.
.