Chốt đề xuất trình Chính phủ tăng 6% lương tối thiểu vùng
Với sự đồng thuận của 15/17 thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia sau phiên họp thứ hai ngày 12/4, phương án tăng 6% lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 đã được chốt. Dù chưa được như kỳ vọng, tuy nhiên theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (bên bảo vệ quyền lợi của người lao động) thì mức tăng này cũng có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay.
Sáng 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, để tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp. Sau hai phiên họp, mức tăng 6% nhận được sự đồng thuận của 17/17 thành viên; thời điểm tăng từ 1/7/2022 nhận được sự đồng thuận của 15/17 thành viên.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt mục tiêu thương lượng và kỳ vọng lương tối thiểu vùng sẽ được tăng ở mức từ 7-8% từ ngày 1/7/2022. Lý do được đưa ra là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên 2 năm nay chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Trong khi đó, dịch bệnh kéo dài đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động và gia đình họ. Một bộ phận người lao động rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn.
"Chúng ta chia sẻ với khó khăn của nhiều doanh nghiệp, nhưng chúng ta không thể không quan tâm đến một bộ phận người lao động đang rất khốn khó. Sức chịu đựng của người lao động cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục và đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn hiện nay", ông Hiểu chia sẻ. Cùng với đó, ông Hiểu cho rằng, việc tăng lương có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động.