Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại
Sáng 9/12, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”.
*Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng Hội thảo.
Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam dự, phát biểu chỉ đạo.
Dự hội thảo có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Cùng dự có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Thượng tướng Võ Minh Lương.
Chủ trì, đồng Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo có các đồng chí: Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy TP Hà Nội.
Tham dự hội thảo còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhân chứng lịch sử...
Hội thảo nhằm tập trung làm rõ bối cảnh trong nước và quốc tế; phân tích âm mưu, thủ đoạn, kế hoạch tác chiến của đế quốc Mỹ khi tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và các địa bàn lân cận; đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng khi mở Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng, qua đó làm rõ tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học kinh nghiệm nhằm vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo nêu rõ: Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng và một số tỉnh, thành ở miền Bắc, hòng giành thắng lợi áp đảo về quân sự, làm xoay chuyển tình thế trên bàn đàm phán tại Paris có lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, với ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, trong 12 ngày đêm (từ ngày 18/12 - 29/12/1972), quân và dân miền Bắc đã tiến hành chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng, đánh bại cuộc tập kích của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Sự kiện này đã buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và ký kết Hiệp định Paris, rút hết quân viễn chinh về nước, góp phần tạo bước ngoặt quyết định và thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nỗ lực đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Thượng tướng Lê Huy Vịnh một lần nữa khẳng định, 50 năm đã trôi qua, nhưng âm hưởng hào hùng của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn vang vọng, là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, trong đó nòng cốt là QĐND Việt Nam anh hùng. Tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu đúc rút từ Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng 1972 vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay. Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh: Cách đây tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng 12-1972, cả thế giới phải kinh ngạc, kính phục chứng kiến uy danh “pháo đài bay B-52” - biểu tượng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ bị đập tan trên bầu trời Hà Nội. Mảnh đất Thăng Long - Đông Đô - nơi lắng hồn núi sông ngàn năm lại ghi thêm một chiến công hiển hách trong những chiến công vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX đó là “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã thể hiện khí phách anh hùng, bản lĩnh, trí tuệ, là bản hùng ca được viết bằng ý chí và sức mạnh của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, quyết chiến đấu vì thống nhất non sông, vì độc lập, tự do cho dân tộc; là thắng lợi minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng và dự báo thiên tài của Bác Hồ: “Đế quốc Mỹ chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Chiến công trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai; buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước; tạo nên bước ngoặt quan trọng để quân và dân ta đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ban tổ chức đã nhận được 130 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, TP Hà Nội, một số địa phương, cơ quan, đơn vị và các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng nội dung cụ thể, trong đó nhiều tham luận đã luận giải và khẳng định tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành xuất sắc của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân chủng Phòng không - Không quân.
Trong tổng số gần 700 đại biểu dự hội thảo, có hơn 20 đại biểu là nhân chứng lịch sử, trực tiếp tham gia chiến dịch phòng không 12 ngày đêm và lập nên chiến công vang dội. Trình bày tham luận tại Hội thảo, Trung tướng PGS. TS Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục Khoa học Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an, tham luận với chủ đề “Phát huy bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân hiện nay”. “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng đặc biệt xuất sắc của quân chủng phòng không, không quân Việt Nam. Nhìn rộng hơn, đây là chiến thắng mang tính toàn dân, toàn diện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của các lực lượng vũ trang nhân dân và toàn thể nhân dân. Với lực lượng CAND đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng QĐND góp phần làm nên thành công.
Điểm lại một số sự kiện, Trung tướng Trần Vi Dân nhấn mạnh: Cuối năm 1971 tại Hội nghị Công an Toàn quốc, căn cứ vào sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, dự báo tình hình địch sẽ tấn công đánh phá miền Bắc bằng không quân, lãnh đạo Bộ Công an đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 1971 và 1972 là tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự xã hội với yêu cầu cao hơn, khẩn trương hơn. Trong đó, nhấn mạnh trọng điểm là Hà Nội, Hải Phòng, các khu kinh tế là các địa bàn có các mục tiêu tấn công của không quân của địch. Và đây là sự chuẩn bị, để giành thế chủ động chiến lược về an ninh quốc gia, trước ý đồ tấn công huỷ diệt miền Bắc của không quân với pháo đài B 52. Và với định hướng công tác chiến đấu như trên, CAND đã phối hợp chặt chẽ với QĐND để chuẩn bị cho việc phòng, chống tấn công bằng không của quân đế quốc Mỹ với pháo đài B 52. Thứ nhất là chủ động trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, phòng, chống gián điệp, biệt kích của các đối tượng phản động, làm trong sạch địa bàn. Trong đó, đã tập trung rà soát, bóc gỡ, phát hiện nội gián, phòng, chống gián điệp biệt kích, không để địch thâm nhập vào trong nội địa, móc nối, chỉ điểm… Xây dựng phong trào quần chúng nhân dân 3 không, một dẫn (không biết, không nghe, không nói và chỉ dẫn người lạ mặt đến cơ quan Công an). Cùng với đó, thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa tấn công, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng tham gia chiến đấu vào mạng lưới phòng không, không quân, 3 thứ quân tham gia bắt giặc lái…
Phối hợp với QĐND với lực lượng phòng không và các ngành tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi các khu vực địch có thể tấn công; vận chuyển, bảo vệ an toàn cho tài sản ra khỏi các địa bàn trọng điểm…
Cùng với đó, lực lượng CAND đã lên phương án tuần tra, canh gác, cứu nạn, chữa cháy, bảo vệ nhân dân trong chiến tranh. Trong giai đoạn này, lực lượng Cảnh sát khu vực và các Đồn Công an, các đơn vị phòng, cháy, chữa cháy cùng các lực lượng khác đã phối hợp với lực lượng QĐND chủ động xử lý các tình huống xảy ra; bảo đảm thông suốt mạch máu giao thông trên địa bàn chiến dịch và trên các hướng, không để bị ảnh hưởng khi chiến tranh xảy ra. Với sự chuẩn bị chu đáo; dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự phối hợp chặt chẽ với QĐND và các ban, bộ ngành, cấp uỷ, chính quyền các địa phương và sự giúp đỡ của người dân…đã giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại địch có thể gây ra trong Chiến dịch 12 ngày, đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Với chủ đề “Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về âm mưu tập kích của không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng” tham luận của đồng chí Trần Lưu Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng nêu rõ: Với vị trí là cửa ngõ của khu vực phía Bắc, Hải Phòng đã trở thành lá chắn của Thủ đô Hà Nội, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuối năm 1972, với những thất bại ở cả hai miền Nam- Bắc, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang, đánh phá miền Bắc, cùng với Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng là địa bàn trọng điểm mà địch tập trung đánh phá. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, để chủ động đối phó với cuộc tập kích của máy bay địch, Thành uỷ, Uỷ ban hành chính Hải Phòng đã khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo thành lập Sở chỉ huy phòng không thành phố kiện toàn tổ chức lực lượng phòng không trên địa phương, sẵn sàng bắn máy bay địch. Giao lực lượng vũ trang thành phố phối hợp với Sư đoàn phòng không 363 tổ chức huấn luyện kỹ, chiến thuật, phương án tác chiến cụ thể… Đồng thời, tổ chức lực lượng củng cố, xây dựng hệ thống hầm, hào tại các khu dân cư, cơ quan, xí nghiệp… , sơ tán nhân dân, bảo đảm an toàn khi máy bay địch bắn phá.
Đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Chiến thắng này đã để lại cho Đảng bộ, nhân dân TP Hải Phòng những bài học kinh nghiệm quý về đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng; về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và TP Hải Phòng trong thời kỳ mới. Những chiến công của quân và dân TP Hải Phòng đã góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam.