Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng dữ liệu điện tử trong các vụ án mua bán người

Thứ Bảy, 09/10/2021, 09:34

Trong 2 ngày 7 & 8 tháng 10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về chứng cứ là dữ liệu điện tử trong vụ án mua bán người - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam. Hội thảo do Chương trình hợp tác ASEAN-Australia về phòng, chống mua bán người (Chương trình ASEAN-ACT) tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. 

Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng dữ liệu điện tử trong các vụ án mua bán người -0
Hội thảo diễn ra tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự hội thảo có 40 đại biểu của các cơ quan tư pháp hình sự trong đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người đến từ Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Quảng Ninh, Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án cấp cao Hà Nội, Đại học Kiểm sát Hà Nội, Đại học …). 

Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo ASEAN-ACT tại Việt Nam và bà Lucia Pietropaoli, Giám đốc Chương trình ASEAN-ACT cấp khu vực đã khẳng định tầm quan trọng của việc thu thập, sử dụng và bảo quản chứng cứ là dữ liệu điện tử trong điều tra tội phạm xuyên quốc gia nói chung và trong các vụ án mua bán người nói riêng, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, sự phát triển của thời đại số và đại dịch COVID-19. Việc tổ chức Hội thảo về chứng cứ là dữ liệu điện tử trong vụ án mua bán người - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, giúp cung cấp kiến thức cho các cán bộ trong lĩnh vực tư pháp hình sự áp dụng để giải quyết các khó khăn vướng mắc trong thu thập và sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử để chứng minh tội phạm mua bán người, góp phần vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm chung.

Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng dữ liệu điện tử trong các vụ án mua bán người -0
Các diễn giả đến từ 0 Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Anh, Australia và INTERPOL đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu. 

Hội thảo đã được tổ chức thành 4 phiên theo các chủ đề: Kiến thức chung về mua bán người và chứng cứ là dữ liệu điện tử trong các vụ án mua bán người; Phát hiện, thu thập và bảo quản chứng cứ là dữ liệu điện tử trong các vụ án mua bán người; Đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ là dữ liệu điện tử trong các vụ án mua bán người; Đánh giá và sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử trong xét xử các vụ án mua bán người. 14 diễn giả Việt Nam và quốc tế đã trình bày các chuyên đề về: mối liên hệ giữa mua bán người, công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số; những trang web đen và lưu ý đối với cán bộ thực thi pháp luật trong phát hiện, thu giữ, bảo quản, phân tích, đánh giá chứng cứ để chứng minh hành vi tội phạm; khó khăn, vướng mắc trong phát hiện, thu thập và bảo quản chứng cứ là dữ liệu điện tử trong các vụ án mua bán người; kỹ thuật thu thập chứng cứ hợp pháp và chuyên hóa chứng cứ; bảo đảm tính nguyên vẹn, toàn vẹn, khách quan và chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm… 

Bên cạnh các bài trình bày, các đại biểu cũng đã tham gia các phiên thảo luận, giải quyết tình huống và đặt hơn 50 câu hỏi với các diễn giả nhằm làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến thực tiễn xử lý dữ liệu điện tử là chứng cứ trong các vụ án mua bán người.

Ngoài kiến thức chung, các diễn giả từ Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Anh, Australia và tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong phát hiện, theo dõi, thu nhập, bảo quản, xử lý dữ liệu điện tử là chứng cứ trong điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người, bảo đảm giải quyết vụ án, đồng thời bảo đảm an toàn cho nạn nhân, nhất là bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, tránh làm tổn thương họ. 

Tài liệu trong hội thảo cũng sẽ là nguồn tư liệu tham khảo, áp dụng trong công tác của các cán bộ tư pháp hình sự của Việt Nam. Khuyến nghị tại Hội thảo cũng có thể được sử dụng để gửi tới các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm phục vụ hoàn thiện khung pháp lý, nhất là việc sửa đổi Luật phòng, chống mua bán người nhằm phòng ngừa, xử lý hiệu quả tội phạm, mua bán người , đồng thời bảo đảm quyền con người của các nạn nhân bị mua bán.

Thu Trang
.
.
.