Chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội là cơ sở để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm

Thứ Ba, 15/11/2022, 09:58

Văn phòng Quốc hội  công bố công khai danh sách các cơ quan chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội. Đây cũng là một trong những cơ sở để Quốc hội xem xét, đánh giá việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi lấy phiếu tín nhiệm.

Sáng 15/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội với 466/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,57% tổng số đại biểu Quốc hội). 

Trước đó, đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua nội dung về thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội với 467/472 đại biểu tán thành, chiếm 93,78% tổng số đại biểu. Một điểm mới quy định tại phiên họp toàn thể thảo luận lần đầu về dự án luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp mời đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Chậm gửi tài liêu đến đại biểu Quốc hội là cơ sở để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm -0
Quốc hội đã thông qua nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội.

Tại phiên họp toàn thể thảo luận lần tiếp theo về dự án luật, dự thảo nghị quyết, mời đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Cũng theo nghị quyết, công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Cụ thể Tổng Thư  ký Quốc hội sẽ tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Nghị quyết khẳng định tài liệu chính thức được lưu hành bằng hình thức văn bản điện tử, trường hợp thuộc bí mật Nhà nước thì lưu hành bằng văn bản giấy.

Đối với tài liệu đã lưu hành bằng văn bản điện tử, trong trường hợp cần thiết, Tổng   Thư   ký Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của Thường trực Hội đồng Dân tộc, thường trực ủy ban của Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định việc lưu hành thêm văn bản giấy. Trường hợp đại biểu Quốc hội có yêu cầu, Tổng Thư  ký Quốc hội tổ chức việc cung cấp thêm tài liệu bằng văn bản giấy. Về hình thức họp, Quốc hội họp trực tiếp và căn cứ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến. Tuy nhiên, các phiên họp kín, phiên biểu quyết bằng bỏ phiếu kín phải theo hình thức trực tiếp. 

Chậm gửi tài liêu đến đại biểu Quốc hội là cơ sở để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm -0
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết.

Trước đó, khi thảo luận về dự thảo nghị quyết, một số đại biểu đề nghị bỏ quy định trường hợp đại biểu Quốc hội nhận được thông tin 'xấu, độc' về những nội dung đang được xem xét, có trách nhiệm thông báo với trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và  Tổng Thư  ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin bỏ quy định trong dự thảo nội quy kỳ họp về trình tự xử lý thông tin 'xấu, độc' mà đại biểu  nhận được trong kỳ họp. Bởi không có đặc thù cần quy định trình tự xử lý riêng. Vấn đề này (nếu có) được xử lý như đối với thông tin 'xấu, độc' nói chung.

Về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội (Điều 7), nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ và bảo đảm thời hạn gửi tài liệu kỳ họp đến đại biểu Quốc hội, phân loại thời hạn gửi theo tính chất phức tạp của tài liệu; bổ sung chế tài xử lý đối với việc chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội; quy định việc gửi tài liệu chậm là nội dung để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm. “Về nội dung này, thời gian qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao việc gửi tài liệu đến đại biểu nhằm bảo đảm đúng thời gian quy định” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.  

Văn phòng Quốc hội  công bố công khai danh sách các cơ quan chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội. Đây cũng là một trong những cơ sở để Quốc hội xem xét, đánh giá việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi lấy phiếu tín nhiệm.

Về thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội (Điều 18), một số ý kiến đề nghị quy định Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có quyền yêu cầu dừng tranh luận trong trường hợp đại biểu tranh luận không đúng trọng tâm, không rõ đối tượng tranh luận, sử dụng quyền tranh luận để phát biểu; được dừng, tạm dừng, hoãn, tạm hoãn phiên họp, kỳ họp trong tình huống có sự cố bất khả kháng, việc tiếp tục họp do Quốc hội quyết định trong từng trường hợp cụ thể.

Phương Thuỷ
.
.
.