Cầu Phong Châu mới sẽ được xây hiện đại, đồng bộ

Thứ Ba, 17/09/2024, 09:17

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới trên QL 32C nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ; Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và đầu tư; Tài chính; Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn nêu rõ, ngày 9/9, mực nước trên sông Hồng dâng cao làm sập cầu Phong Châu, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân và làm đứt gãy giao thông trên tuyến QL32C.

Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ sập cầu và bảo đảm hoạt động giao thông an toàn trong mùa mưa lũ, nhất là tại khu vực các tỉnh Tây Bắc bộ.

Để nhanh chóng giải quyết tình trạng đứt gãy giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông trên QL32C và khu vực huyện Tam Nông, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Thủ tướng giao UBND tỉnh Phú Thọ là cơ quan chủ trì, khẩn trương phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan triển khai ngay nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cầu Phong Châu mới trên QL32C.

Thủ tướng chỉ đạo xây mới cầu Phong Châu kiên cố -0
Hiễn vẫn còn 6 nạn nhân mất tích sau vụ sập cầu Phong Châu.

Cầu xây mới phải bảo đảm kiên cố, an toàn trong mọi điều kiện mưa lũ; báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 1/10.

Trước đó, ngày 15/9, UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng, đề nghị Trung ương hỗ trợ công trình xử lý khẩn cấp khắc phục ảnh hưởng cơn bão số 3.

Trong đó, Phú Thọ đề nghị xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu cũ với quy mô hiện đại, đồng bộ với quy mô tuyến QL32C với chiều dài 430 m, chiều rộng 21,5 m; tổng mức đầu tư 865 tỉ đồng (ngân sách T.Ư hỗ trợ 100%).

Tính đến chiều 16/9, thông tin từ Công an tỉnh Phú Thọ cho biết lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể thứ 2 trong vụ sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ). Hiện vẫn còn 6 nạn nhân mất tích.

41 cầu vượt sông phía Bắc đã được trở lại lưu thông bình thường

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, đơn vị đã chính thức kết thúc hạn chế giao thông thủy đối với 41 vị trí cầu vượt sông, các phương tiện được phép lưu thông bình thường.

Tất cả các phương tiện thủy nội địa khi đi đến các vị trí này phải tuân thủ các báo hiệu đường thủy nội địa lắp đặt tại khu vực.

Cầu Phong Châu mới sẽ được xây hiện đại, đồng bộ -0
Cầu Đuống vẫn nằm trong danh mục cầu hạn chế luồng trên đường thủy nội địa.

Trên các tuyến sông phía Bắc, còn 8 vị trí cầu và vị trí đường điện vượt sông đang hạn chế giao thông thủy. Cụ thể gồm: cầu Phong Châu; Cầu Đuống; Đường dây diện vượt sông cột số 66 đến số 67 lộ 372 trạm 110V Đoan Hùng, km 60+600 sông Lô, tỉnh Phú Thọ;  Cầu Đáp Cầu, sông Cầu, Bắc Ninh; Cầu đường sắt Cẩm Lý, Bắc Giang; Cầu đường sắt Đa Phúc, sông Công, Hà Nội; Cầu Bồng Lạng, sông Đáy, tỉnh Hà Nam; Cầu treo Nam Công sông Đáy, tỉnh Hà Nam.

Trước đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thông báo danh sách vị trí đang hạn chế giao thông đường thủy trên các tuyến sông khu vực phía Bắc, để đảm bảo an toàn công trình cầu vượt sông.

Theo đó ở các vị trí tại 50 cầu đường bộ, đường sắt vượt sông và một vị trí có đường dây điện vượt sông Km 60+600 sông Lô (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ), cấm tất cả các phương tiện giao thông đường thủy nội địa lưu thông qua khu vực khoang thông thuyền các cầu này, trừ các phương tiện thực hiện nhiệm vụ: Cứu hộ, cứu nạn, điều tiết hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông.

Cơ quan này yêu cầu tất cả các phương tiện thủy nội địa khi đi đến khu vực trên phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của lực lượng chức năng, điều tiết bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Phạm Huyền
.
.
.