Cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Chưa cụ thể nhượng quyền, khó đạt mục tiêu thu hồi vốn
Đại biểu Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng, việc tổ chức nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông chưa được quy định cụ thể nên khó đạt mục tiêu thu hồi 18.300 tỷ trong 5 năm đầu và gần 38.000 tỷ trong 10 năm sau như Chính phủ đề ra.
Chiều 6/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ, cho ý kiến về Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.
Chờ gói phục hồi kinh tế - xã hội, liệu có kịp giải ngân?
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đánh giá, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là một trong những dự án mở rộng, bổ sung so với kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội phê duyệt. Đối với phần vốn còn thiếu (khoảng 72.497 tỷ đồng), Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).
Tuy nhiên, theo ông, chương trình phục hồi KTXH chủ yếu tập trung trong hai năm 2022, 2023, có mở rộng sang 2024. Ở đây có 12 dự án thành phần thì 10 dự án thuộc công trình trọng điểm quốc gia, tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, các dự án này từ khi khởi công đến đầu tư được phải mất 2-3 năm, rất nhiều thủ tục.
"Nếu chúng ta chuẩn bị tốt nhất trong hai năm thì cuối 2023, đầu 2024 mới khởi công được. Với thời gian như vậy vừa không đạt được mục tiêu dòng vốn chương trình phục hồi phát triển KTXH, sau đó, còn mất tối thiểu 2 năm sau khi khởi công, vượt quá giai đoạn đầu tư công của giai đoạn 2021 - 2025", đại biểu tỉnh Đắk Nông phân tích.
Để giải đáp khúc mắc này, ĐBQH Nguyễn Trường Giang đề nghị phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư, nếu dự án công trình trọng điểm quốc gia trên 10.000 tỷ đồng (hiện đang thuộc thẩm quyền Thủ tướng) thì phân cấp xuống Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Qua tính toán, ít nhất sẽ giảm được 3 tháng. "Chúng ta có thể sửa, đối với các dự án thành phần, trình tự thủ tục quyết định phê duyệt đầu tư được thực hiện như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công", ông kiến nghị.
Cũng liên quan số tiền gần 72.500 tỷ đồng cân đối từ Chương trình phục hồi KTXH, ĐBQH Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cho rằng, Quốc hội nói rõ chương trình này làm trong hai năm 2022, 2023. Mà theo báo cáo của Bộ GTVT, những dự án này thuộc dự án trọng điểm quốc gia, giai đoạn chuẩn bị đầu tư là hai năm 2021, 2022; năm 2022 - 2023 mới giải phóng mặt bằng (GPMB); năm 2024 - 2025 mới thi công. "Năm 2021 thì hết rồi, đến năm 2023 mới chuẩn bị xong, 2024 mới khởi công thì liệu có kịp giải ngân vốn hay không?", ông băn khoăn.
Lo ngại hiện tượng nâng giá khi giao địa phương làm chủ đầu tư
Về đề xuất giao địa phương làm chủ đầu tư, ĐBQH Vũ Xuân Hùng nhận định, rất ít địa phương làm được do liên quan đến công tác GPMB, thi công... Báo cáo Bộ GTVT nói, tạo điều kiện nâng cấp, gia hạn, nâng công suất khai thác mỏ..., song, liệu địa phương có quản lý được nhà thầu trong cung cấp vật liệu, thi công hay không? "Sẽ xảy ra hiện tượng nâng giá, cấp phép khai thác mỏ sẽ ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, đời sống người dân, trật tự an toàn xã hội. Ngay như chuyện nhà thầu thi công làm đường cao tốc có sử dụng một số tuyến đường của địa phương, nếu không có cơ chế thì khó kiểm tra, giám sát", đại biểu lấy ví dụ.
ĐBQH Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) khẳng định, vấn đề GPMB là vấn đề rất khó, phát sinh nhiều năm, kéo dài mà chúng ta đang giao cho địa phương, do đó cần phải được quan tâm. Nếu giải ngân chậm ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề GPMB, chậm đoạn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đoạn khác, liên quan đến vấn đề giá, tái định cư cho người dân... Sau khi đầu tư các tuyến cao tốc thì các tuyến đường khai thác vật liệu xây dựng không được quan tâm, dẫn đến khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội của địa phương...
Đối với vấn đề thu hồi vốn, đại biểu dẫn báo cáo của Bộ GTVT và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng, chúng ta đã tính hết đến vấn đề nhượng quyền thu phí. Nhưng ngay báo cáo của Bộ GTVT cũng chưa ban hành được quy định về nhượng quyền thu phí, trong khi vấn đề vốn khó khăn, xem xét nguồn vốn cho Nhà nước chưa được quan tâm một cách đúng mức.
"Đúng là quy định cụ thể của Chính phủ về tổ chức nhượng quyền thu phí thu hồi vốn như thế nào hiện nay vẫn chưa rõ, nên cần phải được tháo gỡ. Ngay cả thu phí cao tốc trong giai đoạn 2017 - 2020 cũng đang gặp khó khăn", ĐBQH Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) nói và cho biết, việc thu phí không dừng cho đến thời điểm này chưa đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra, nhiều tuyến đường chưa triển khai được.
Đại biểu khẳng định, dù Chính phủ đề nghị 5 năm đầu thu hồi vốn 18.300 tỷ, 10 năm sau thu hồi gần 38.000 tỷ nhưng cơ chế tổ chức thu hồi vốn, nhượng quyền như thế nào nếu không có quy định cụ thể thì sẽ khó đạt mục tiêu đề ra...