Cảnh sát Cơ động được ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái
Đây là một trong những nội dung quy định tại dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động (CSCĐ), nêu rõ lực lượng CSCĐ được phép ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ.
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày mai, 20/10. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết và xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Trong đó có hai dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến hoạt động của lực lượng CAND là Luật CSCĐ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS).
Quy định rõ thẩm quyền điều động của Tư lệnh CSCĐ và Giám đốc địa phương
Dự thảo Luật CSCĐ được Quốc hội xem xét kỳ này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Việc xây dựng Luật CSCĐ nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng CSCĐ; luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của CSCĐ và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; đồng thời giải quyết một số vấn đề bất cập của Pháp lệnh CSCĐ.
Dự thảo Luật CSCĐ gồm 5 chương, 31 điều, quy định cụ thể 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của CSCĐ, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ, đồng thời bổ sung 2 nhiệm vụ cho CSCĐ, gồm: Huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với CSCĐ và CBCS, Học viên trong CAND; huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương.
Phối hợp với các lực lượng trong CAND và các lực lượng, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ có tính chất phức tạp trong đấu tranh, phòng chống tội phạm bảo đảm ANTT; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm ANTT và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể 7 quyền hạn của CSCĐ, trong đó bổ sung thêm 2 quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tế thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ, gồm: Được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT. Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung, làm rõ quy định về hoạt động của CSCĐ; điều chỉnh, làm rõ quy định về thẩm quyền điều động CSCĐ thực hiện nhiệm vụ của Tư lệnh CSCĐ và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo chặt chẽ, linh hoạt, phù hợp với thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ; Bổ sung quy định về phối hợp giữa CSCĐ với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó quy định rõ nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp và cơ chế chỉ huy CSCĐ trong phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT...
Bị hại không yêu cầu, vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự
Trong 7 dự án Luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTHS được ban hành nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và yêu cầu theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội. Đồng thời, việc ban hành Luật cũng đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nói riêng và quy định phù hợp với thực tiễn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng nói chung.
Dự thảo Luật gồm 3 điều với các nội dung sửa đổi, bổ sung như sau: Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an).
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự (BLHS) để cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại.
Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 229 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn điều tra.
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 247 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.
Liên quan đến việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã tại khoản 3 Điều 146 Bộ luật TTHS theo khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật nêu trên, để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật theo quy định tại Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 44 Luật Tổ chức chính quyền điều tra hình sự bởi Điều này cũng quy định về trách nhiệm của Công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm tương tự với khoản 3 Điều 146 Bộ luật TTHS.