Cẩn trọng với quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên
Các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Công chứng để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của luật hiện hành.
Sáng 25/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Qua thảo luận, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Công chứng để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của luật hiện hành.
Nói về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên tại khoản 3, điều 8, dự thảo luật quy định về một trong các tiêu chí để bổ nhiệm công chứng viên là có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật, thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho rằng, quy định nêu trên giảm 2 năm so với luật hiện hành, vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu cẩn trọng, bởi quy định này chưa phù hợp với mục đích, quan điểm việc sửa đổi luật là nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, phẩm chất, đạo đức của công chứng viên, lấy công chứng viên làm trung tâm.
Lưu ý, do tính chất công việc đặc thù của một công chứng viên được ví như "thẩm phán phòng ngừa" nên cần những người có trình độ pháp luật chuyên sâu, giàu kinh nghiệm, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về thời gian công tác pháp luật, từ đủ 5 năm trở lên.
“Công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là nghề bổ trợ tư pháp, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, phòng ngừa tranh chấp khiếu kiện, hỗ trợ hoạt động xét xử, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công chứng viên làm nghề công chứng ngoài việc phải có bằng cử nhân luật trở lên thì cần phải có đủ kinh nghiệm thực tiễn, có thời gian công tác pháp luật đủ để bảo đảm thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật sau khi được bổ nhiệm công chứng viên” - đại biểu Nguyễn Đại Thắng nhấn mạnh.
Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An), cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về chức danh trợ lý công chứng viên, đồng thời nêu rõ, hiện nay trợ lý công chứng viên là thành phần không thể thiếu trong các tổ chức hành nghề công chứng và đang thực hiện khối lượng công việc khá lớn trong các tổ chức này. Bên cạnh đó, hoạt động của trợ lý công chứng viên đang có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các bên có liên quan trong hoạt động công chứng. Hiện nay, trợ lý công chứng viên tham gia vào hầu hết các công đoạn của quy trình công chứng, từ việc tiếp nhận hồ sơ, tư vấn hồ sơ, soạn thảo văn bản, hỗ trợ ký kết giao dịch, sắp xếp đến tổ chức ký kết giao dịch, cập nhật hồ sơ, dữ liệu…
Với phạm vi xử lý công việc lớn như vậy, hoạt động của trợ lý công chứng viên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của hoạt động công chứng, cũng như trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng, nhất là trong việc bảo mật thông tin. Do vậy, "nếu không có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ thì không có cơ sở để các trợ lý công chứng viên có tư cách giao tiếp, xử lý công việc, cũng như không rõ các nghĩa vụ cụ thể để bảo đảm quyền lợi của khách hàng” - đại biểu Hoàng Minh Hiếu phân tích.
Mặt khác, qua tham khảo kinh nghiệm pháp luật các nước, trong đó có các nước theo hệ thống công chứng Latinh như Pháp, Đức, Nga, Hàn Quốc... đều có quy định về quyền, nghĩa vụ của trợ lý công chứng viên. Đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định về điều kiện, quyền, nghĩa vụ của trợ lý công chứng viên trong dự thảo luật.