Cần lan toả, thúc đẩy xu hướng báo chí kiến tạo

Thứ Tư, 21/12/2022, 17:52

Ngày 21/12, tại Hà Nội, Tạp chí Thông tin & Truyền thông, cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội thảo “Báo chí kiến tạo - Kinh nghiệm thế giới và áp dụng ở Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quản lý Nhà nước, các chuyên gia truyền thông báo chí, doanh nghiệp.

 Phát huy vai trò của báo chí trong xây dựng xã hội lành mạnh

Theo Nhà báo Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo VietNamNet, trên thế giới, báo chí kiến tạo hay còn gọi là báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí truyền cảm hứng... có thể được coi là một phản ứng đối với tình trạng lá cải, giật gân và thiên kiến tiêu cực ngày càng gia tăng của các phương tiện truyền thông ngày nay. Đó là cách tiếp cận nhằm mục đích cung cấp cho công chúng một bức tranh công bằng, chính xác và có bối cảnh về thực tiễn, mà không quá nhấn mạnh vào tiêu cực và những gì đang xảy ra.

“Tại buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm 2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: Chúng ta cần một nền báo chí thúc đẩy xã hội cùng suy nghĩ để mang lại giải pháp, chứ không chỉ là một lực lượng báo chí chỉ biết đưa tin và bình phẩm không mang tính xây dựng. Báo chí bình phẩm thì người dân cũng sẽ bình phẩm, báo chí giải pháp thì người dân cũng sẽ tìm giải pháp”- Nhà báo Nguyễn Văn Bá đặt vấn đề.

Tạo điều kiện để lan toả, thúc đẩy xu hướng báo chí kiến tạo -0
Toàn cảnh Hội thảo.

Còn theo TS Vũ Thanh Vân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, báo chí kiến tạo là trường phái báo chí nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò tích cực của báo chí trong việc xây dựng xã hội lành mạnh. Khi ngày càng nhiều vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội phức tạp nảy sinh, vai trò tích cực của báo chí càng được coi trọng. Nếu báo chí tô đậm những vấn đề tiêu cực với mục đích cung cấp thông tin giật gân, câu khách thì càng làm cho xã hội trở nên rối ren, phức tạp hơn. Báo chí có quyền và trách nhiệm đấu tranh với tiêu cực nhưng cần trả lời một cách nghiêm túc các câu hỏi: Báo chí đấu tranh vì mục tiêu tối hậu nào? Đấu tranh vì lợi ích của ai? Đấu tranh như thế nào? Việc trả lời các câu hỏi này sẽ quyết định tính chất kiến tạo, tích cực của báo chí.

Khẳng định phản biện xã hội là nhu cầu khách quan; một trong những công cụ để người dân thực hiện phản biện xã hội là báo chí song nhiều diễn giả cũng cho rằng, thời gian vừa qua, có vẻ như báo chí đang bị cuốn hút bởi những thông tin tiêu cực. Liều lượng thông tin tiêu cực quá nhiều tạo nên bức tranh xã hội không tươi sáng, chưa phản ánh thực tế cuộc sống. Đó là chưa kể, nhiều thông tin được báo chí truyền tải sai lệnh hoặc không chính xác. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, thông tin từ báo chí rất cần thiết đối với người dân và doanh nghiệp. Tuy vậy, ông Tuấn cũng chỉ ra những sai sót trong đăng tải thông tin, trong phân tích vụ việc của nhiều cơ quan báo chí thời gian qua. Theo ông Tuấn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hạn chế về sự chuyên sâu, chạy đua thời sự, theo view và thiếu cẩn trọng của một số phóng viên; thiếu nhạy cảm và quy trình sản xuất tin bài của một số toà soạn chưa chuyên nghiệp. 

 Đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ báo chí kiến tạo

Đề cập đến việc làm gì để có báo chí kiến tạo, PGS.TS Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đưa ra ba yêu cầu đối với các cơ quan báo chí hiện nay. Ông Dững cho rằng báo chí kiến tạo bắt buộc phải nói lên sự thật mang tính chọn lọc bởi sự thật chính là sức mạnh của báo chí. Bên cạnh đó, báo chí phải làm tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, trong đó, việc phản biện các chính sách là vấn đề lớn, cần được thực hiện trên nguyên tắc công khai và minh bạch để tạo dựng niềm tin xã hội. Ngoài ra, để thúc đẩy báo chí kiến tạo, cần nâng cao trình độ, giúp đội ngũ nhà báo nêu cao trách nhiệm pháp lý, chuẩn mực xã hội khi lựa chọn vấn đề, sự kiện và thông tin; nâng cao kỹ năng khai thác dữ liệu và chú trọng mảng báo chí điều tra.

Cần lan toả, thúc đẩy xu hướng báo chí kiến tạo -0
Các diễn giả tham luận tại Hội thảo.

Luật sư Nguyễn Danh Huế cho rằng, nghề báo cực kỳ vất vả, nguy hiểm song thu nhập của phóng viên nhìn chung còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Do đó, muốn phát huy vai trò, nhiệm vụ của báo chí thì trước tiên phải giải quyết và nâng cao được cuộc sống của các nhà báo và cơ quan báo chí. Ngoài ra, ông Huế cũng đề xuất cần có quỹ hỗ trợ các phóng viên xuất sắc và cơ quan báo chí kiến tạo, hoạt động theo xu hướng lành mạnh.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Mai Hương Giang, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết, qua đo quét của Cục Báo chí, những chùm bài, bài viết được chia sẻ nhiều nhất thường có yếu tố liên quan đến vụ việc tiêu cực.

Bà Giang cho hay, vừa qua Cục Báo chí đo quét các thông tin về dịch COVID-19 và nhận thấy, giai đoạn đầu đại dịch xuất hiện tại Việt Nam, khoảng 30-40% tổng số tin bài trên các báo là về COVID-19, thời điểm đó, Cục Báo chí gọi tên đó là báo chí phản ánh. Đến giai đoạn tiếp theo, khi có vaccine, báo chí chuyển sang hướng dẫn cho người dân về tiêm vaccine, phòng bệnh… đó là báo chí hướng dẫn. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn phục hồi sau dịch, gọi là báo chí giải pháp hay báo chí kiến tạo. “Qua công tác đo quét, chúng tôi nhận thấy, báo chí giải pháp hay báo chí kiến tạo sẽ giúp ích rất lớn cho công tác quản lý và là những câu chuyện xã hội cần”- bà Giang nhấn mạnh.

Cũng theo bà Mai Hương Giang, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã đồng ý với đề xuất của Cục Báo chí, cho phép xây dựng Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí. Trung tâm sẽ kết hợp với các công ty công nghệ, các cơ quan quản lý hỗ trợ cơ quan báo chí trong việc chuyển đổi số, để từ đó tạo ra nguồn thu và kinh tế báo chí.

Huyền Thanh
.
.
.