Cần đánh giá khách quan về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam

Thứ Năm, 15/12/2022, 17:44

Chiều 15/12 tại Hà Nội, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ, thông tin về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam và nêu rõ các biện pháp phòng chống di cư, mua bán người trái phép - vấn đề đang được dư luận quan tâm. 

Tại cuộc họp, báo trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: "Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và bảo đảm được tôn trọng trên thực tế".

Theo bà Phạm Thu Hằng, thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng tôn giáo. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Cần đánh giá khách quan về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam -0
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Nguyễn Hồng.

"Việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước", bà Hằng nhấn mạnh.

Về các biện pháp phòng chống mua bán người trái phép, đặc biệt là ở khu vực biên giới với Trung Quốc, bà Phạm Thu Hằng cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho việc di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người.

Thời gian qua, Việt Nam quyết liệt tăng cường triển khai công tác phòng chống mua bán người cũng như triển khai chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 với các giải pháp nhiệm vụ mới, nhằm ngăn chặn mua bán người trong mọi lĩnh vực. Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 20/3/2020 nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, ngăn chặn mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức, trong đó có tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol trong việc ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây đưa người di cư trái phép theo quy định của pháp luật, đồng thời sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia nhằm xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan nhằm bảo đảm tính hợp pháp, an toàn, ngăn chặn nguy cơ mua bán người, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người di cư.

Bà Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc theo hiệp định song phương giữa chính phủ hai bên về tăng cường hợp tác phòng chống mua bán người và các khuôn khổ hợp tác khác như sáng kiến các bộ trưởng 6 nước tiểu vùng khu vực sông Mekong. Trong thời gian tới, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Trung Quốc sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc và lực lượng chức năng trong nước nhằm triển khai hiệu quả hiệp định hồi hương, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời người bị mua bán trở về".

Kim Khánh
.
.
.