Căn cứ hậu quả, mục đích, hành vi của người chưa thành niên phạm tội để áp dụng chính sách phù hợp

Thứ Bảy, 08/06/2024, 15:19

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, chính sách hình sự đối với người chưa thành niên cần phải được thể hiện rõ, cụ thể hơn, thể hiện rõ nét các đặc trưng trong xử lý người chưa thành niên mang tính nhân văn cao.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, ngày 8/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng, chính sách hình sự đối với người chưa thành niên cần phải được thể hiện rõ, cụ thể hơn, thể hiện rõ nét các đặc trưng trong xử lý người chưa thành niên mang tính nhân văn cao; rà soát kỹ lưỡng các quy định về hình phạt, điều kiện áp dụng để không áp dụng tuỳ nghi.

Nhân văn, nhân đạo với người chưa thành niên nhưng phải bảo đảm công bằng

Phát biểu quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đề nghị, dự thảo luật cần tiếp tục nghiên cứu, thể hiện rõ nét các đặc trưng trong xử lý người chưa thành niên mang tính nhân văn cao, như: quan điểm, mục đích xử lý cần chuyển từ thiên về trừng phạt sang thiên về giáo dục, cảm hóa; chuyển từ việc áp dụng và thi hành các chế tài thiên về cách ly khỏi xã hội (giam giữ tại các trại cải tạo) sang áp dụng nhiều hơn các chế tài giáo dục tại cộng đồng, trong xã hội; tăng cường áp dụng các biện pháp giáo dục, cải tạo nhằm tăng tính tự giác, tự nguyện thay cho các biện pháp giáo dục, cải tạo có tính cưỡng bức.

"Mục đích của việc làm đó là để người chưa thành niên phạm tội tự giác, tự nguyện nhận thức được sai trái của hành vi để tiến bộ hơn. Dự thảo luật cần làm tốt yêu cầu đó để bảo đảm khả thi, hiệu quả nhằm hướng tới giảm tỷ lệ tái phạm của người chưa thành niên, tiết kiệm chi phí cho Nhà nước, xã hội và gia đình; đề cao vai trò hòa giải của cộng đồng; phục hồi nhân cách của con người một cách hòa bình, hạn chế những biện pháp trừng phạt; đề cao tính nhân nhân văn" -  đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

trong-nghia-1717818052526.jpg -0
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên họp.

Cũng nói về sự nhân đạo, nhân văn trong xử lý người chưa thành niên phạm tội, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, dự thảo luật đưa ra định hướng áp dụng giảm nhẹ hình phạt, chế tài nhân đạo hơn với người chưa thành niên, như: hình phạt tối đa giảm hơn ở một số tội, mở rộng diện người phạm tội được xử lý chuyển hướng...

Tuy nhiên, theo đại biểu việc giảm nhẹ cần cân nhắc đến tác động xã hội, bởi còn có ý kiến cho rằng nếu áp dụng các biện pháp xử lý nhẹ hơn thì có nguy cơ xu hướng lợi dụng chính sách để phạm tội. Thực tế tình trạng người chưa thành niên phạm tội đang nhức nhối. Việc chuyển hướng cũng rất lưu ý, vì phạm tội về an ninh quốc gia, khủng bố thì có chuyển hướng hay không. Do đó, cần đánh giá rất kỹ vì đây là thay đổi lớn về chính sách hình sự.

“Chúng ta cơ bản nội luật hóa các chính sách theo yêu cầu công ước, thể hiện đầy đủ trong các đạo luật về tư pháp và các luật khác. Giờ tổng hợp xây dựng thành một luật riêng là tốt, nhưng nói thiếu cơ chế là không phải” – đại biểu Nguyễn Công Long nói.

nguyễn công long.jpg -0
Đại biểu Nguyễn Công Long phát biểu tại phiên họp.

Dẫn lại vụ án Lê Văn Luyện giết nhiều người ở Bắc Giang gây rúng động dư luận trước đây, Đại biểu Quản Minh Cường (đoàn Đồng Nai) cho biết, khi đó còn hơn 50 ngày nữa là đối tượng đủ 18 tuổi, trong trường hợp hành vi như vậy thì có cần áp dụng chính sách nhân đạo hay không. “Ranh giới pháp lý làm cho chúng ta thấy vừa công bằng vừa không công bằng” – đại biểu Quản Minh Cường bày tỏ và đề nghị nghiên cứu kỹ, nhất là phải căn cứ hậu quả, mục đích, thái độ hành vi khi phạm tội để áp dụng chính sách phù hợp, bảo đảm công bằng.

Phát biểu tại tổ, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Công ước khuyến cáo tất cả các quốc gia thành viên phải có bộ luật riêng về tư pháp người chưa thành niên. “Thế giới quan niệm trẻ em chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, kinh nghiệm cuộc sống chưa có, kiến thức pháp luật chưa có, bộ não chưa hình thành một cách đầy đủ. Về mặt hành vi, khả năng kiểm soát các hành vi của trẻ kém hơn người trưởng thành, thường bốc đồng, thậm chí có lúc manh động. Các cháu nhiều khi muốn thử nghiệm một hành vi nào đó, với kiến thức pháp luật chưa đầy đủ, có thể dẫn đến phạm tội. Ở lớp cãi nhau một cái, lấy gậy đánh nhau, các cháu không ý thức được mình đang phạm tội” - Chánh án TAND tối cao cho biết.

Theo Chánh án TAND tối cao thì những chính sách nhân văn cũng được thể hiện trong đạo luật, như với các cháu không được tuyên tử hình, chung thân, mức án ít hơn nhiều so với người trưởng thành khi phạm cùng một tội danh, hay thời hạn điều tra với các cháu ngắn hơn so với người lớn; đồng thời nhấn mạnh quyền của các cháu phải bảo đảm, bao gồm: quyền chơi, quyền thông tin, quyền học tập…

Có nên tách riêng vụ án hình sự để xử lý người chưa thành niên?

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận và Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng nêu quan điểm đó là việc trong vụ án có cả người thành niên người chưa thành niên thì có nên tách người chưa thành niên ra giải quyết thành một vụ án độc lập hay không. Về nội dung này, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị không quy định bắt buộc phải tách vụ án hình sự có người chưa thành niên để giải quyết độc lập, mà nên quy định theo hướng “ưu tiên việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng”.

chánh án.jpg -0
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại phiên thảo luận.

Chánh án TAND tối cao cho biết, quan điểm của TAND tối cao là vụ án nếu có trẻ em thì phải tách ra giải quyết độc lập, người lớn xét xử sau. “Nếu không tách vụ án, thời hạn điều tra đối với các cháu phải theo người lớn, điều này đặt các cháu vào tình trạng bị khởi tố, tạm giam kéo dài. Đó là chưa kể cán bộ điều tra, truy tố, xét xử theo yêu cầu của Luật này phải là những cán bộ có hiểu biết người chưa thành niên (về tâm lý, sinh lý), phải tiến hành các hoạt động xét hỏi trong môi trường thân thiện. Nếu gộp chung với người lớn, việc này không thực hiện được” – Chánh án TAND tối cao nêu quan điểm và lý giải, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể lấy lời khai trước của các cháu và công bố trước tòa. Công nghệ thông tin hiện nay cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến, các cháu không phải ra tòa.

Cần nghiên cứu kỹ để có quy định phù hợp

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là dự án luật khó, rất nhiều chuyên gia, nhiều công trình nghiên cứu khoa học đặt vấn đề tư pháp người chưa thành niên là gì, cho nên cần xác định phạm vi cho đúng, trúng, để từ đó quy định các nội dung trong dự thảo luật cho phù hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị đánh giá tác động kỹ hơn các chính sách mới như: kinh phí thực hiện giám sát điện tử, xây dựng trại giam riêng. "Cả nước xây dựng 3 trại giam riêng cho người chưa thành niên tại 3 vùng thì chi phí tuân thủ, chi phí tác động với ngân sách như thế nào? Đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động với các chính sách mới. Tiếp tục rà soát các bộ luật có liên quan như Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự"-  Phó Chủ tịch Quốc hội nói. 

tổ 3.png -0
Các đại biểu thảo luận tại tổ 3.

Về các nội dung cụ thể như hình phạt, thủ tục hình sự, đặc biệt là xử lý chuyển hướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, nhiều ý kiến thống nhất với cơ quan soạn thảo đề nghị xử lý chuyển hướng sớm và ưu tiên xử lý chuyển hướng phải thân thiện, nhân văn, nhưng cũng phải bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Liên quan đến biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng cần có lập luận chặt chẽ hơn.

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp với người chưa thành niên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, ý tưởng rất hay, nhưng có đòi hỏi bảo đảm nguồn lực, kinh phí cho đối tượng này hay không? Cần đánh giá kỹ, tính toán tác động của quy định này. 

Về mở rộng hình phạt cảnh cáo và phạt tiền, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề, người lớn được nhận nguồn hỗ trợ, nhưng trẻ em lại không có? Không chỉ có cha mẹ, người giám hộ, mà còn bạn bè của cha mẹ mong muốn hỗ trợ các em trong hình thức phạt tiền để các em sớm được hòa nhập cộng đồng. Quy định này cũng cần nghiên cứu, xem xét, với tinh thần giảm hình phạt tù, mở rộng hình thức phạt tiền và chuyển hướng xử lý sớm.

Thu Thuỷ
.
.
.