Cần có ý kiến về việc thống nhất hay không việc thu 10% thuế đối với cơ quan báo chí

Thứ Sáu, 22/11/2024, 15:53

Ngày 22/11, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần có chính sách ưu đãi hơn đối với lĩnh vực văn hóa và các cơ quan báo chí; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện và những trường hợp đặc biệt.

Cần ưu đãi xứng tầm đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông

Nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, lĩnh vực truyền thông báo chí cần được ưu đãi thuế nhiều hơn. “Cần áp dụng một mức thuế chung cho báo chí là 10%, thậm chí nên giảm nhiều hơn nữa”, đại biểu nói và đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí trong 5 năm, hoặc áp thuế ở mức tối thiểu để ngành này vượt qua khó khăn; đồng thời phân tích, báo chí đóng góp lớn trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế xã hội. Báo chí cũng góp phần đấu tranh chống lại thông tin xấu độc, phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Kiến nghị ưu đãi tối đa thuế cho các cơ quan báo chí -0
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại tổ.

Đại biểu cho rằng, thời gian qua, nguồn thu của các cơ quan báo chí giảm sâu do chịu sức ép cạnh tranh từ mạng xã hội, trong khi báo chí vẫn phải tăng đầu tư cho cơ sở vật chất, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu phát triển trong kỷ nguyên số. “Báo chí vừa bị giảm thu quảng cáo, vừa phải tăng chi đầu tư nên gặp khó khăn” -  đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nhìn nhận.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đề nghị áp dụng thuế suất ưu đãi với báo in và các loại hình báo chí khác cùng mức 10%. Theo đại biểu, tách mức thuế suất ưu đãi báo in 10%, còn các báo chí khác 15% là “bất hợp lý”. Bởi, hiện báo chí phát triển đa nền tảng, đa phương tiện, tức là báo in cũng có cả báo điện tử, truyền hình cũng phát triển nhiều nền tảng số… “Đã ưu đãi thì nên ưu đãi xứng tầm, thể hiện rõ chính sách quan tâm tới báo chí”, đại biểu nêu và cho hay, chuyển đổi số của cơ quan báo đang diễn ra quyết liệt, mà muốn chuyển đổi số cần đầu tư nguồn lực, con người, công nghệ lớn… Trong khi đó, các cơ quan báo chí hiện gặp rất nhiều khó khăn do nguồn thu quảng cáo giảm mạnh. Với ưu đãi thuế trên, theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, sẽ khuyến khích cơ quan báo chí có thêm công chúng, làm tốt nhiệm vụ chính trị. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhắc lại tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói đã tiếp thu theo hướng các loại hình báo chí áp dụng thuế suất 10%. Tuy nhiên, trong dự thảo Chính phủ trình Quốc hội hôm nay “vẫn như cũ”. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng không nêu về vấn đề này. “Chúng tôi nghĩ tiếp thu hay không tiếp thu cũng phải có ý kiến” – đại biểu Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Cần ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật, sau cai nghiện…

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) lần này có quy định giảm thuế thu nhập cho những doanh nghiệp có từ 30% lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện và những trường hợp đặc biệt khác.

Kiến nghị ưu đãi tối đa thuế cho các cơ quan báo chí -0
Các đại biểu phát biểu tại tổ.

Cho rằng, đây là quy định rất nhân văn, song đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng đề nghị, không nên quy định tỷ lệ “cứng” 30% người lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện… mà nên quy định linh hoạt hơn, chẳng hạn như doanh nghiệp có tuyển dụng và sử dụng lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện dù chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10% cũng được hưởng chính sách giảm thuế.

Bên cạnh đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế, không chỉ người sau cai nghiện mà cả người đang điều trị cai nghiện bằng methadone với lý do đối tượng này cơ bản có hành vi và tinh thần ổn định, có thể tham gia lao động. Đại biểu cho rằng, quy định này sẽ giúp động viên doanh nghiệp thuê mướn đối tượng là người đang điều trị cai nghiện bằng methadone.

Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp 8 này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo số liệu của Statista, doanh thu quảng cáo trực tuyến năm 2023 tại Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, 80% thị phần quảng cáo trực tuyến tập trung vào các nền tảng xuyên biên giới như: YouTube, Facebook, TikTok (khoảng hơn 1 tỷ USD), 20% còn lại là các báo điện tử, doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến trong nước như: 24h, VnExpress/Eclick, Dân trí, VCCorp/Admicro, Adtima... Khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, 80% quảng cáo trực tuyến trước đây thuộc về báo chí thì nay “rơi” vào mạng xã hội. Có nghĩa, nguồn thu từ quảng cáo với các cơ quan báo chí giảm đáng kể...

Phương Thuỷ
.
.
.