Cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Vấn đề cấp bách, Quốc hội phải quy định ngay

Thứ Bảy, 30/11/2024, 18:10

Chiều 30/11, sau khi bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã chủ trì Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.

Dự kiến đầu tháng 1/2025 có phương án tinh gọn bộ máy Quốc hội

Tại họp báo, phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi về việc Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Việc hạn chế quyền công dân của người dân và doanh nghiệp thì phải đưa vào luật, ở đây Quốc hội quy định trong nghị quyết thì có phù hợp hay không?

Cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Vấn đề cấp bách, Quốc hội phải quy định ngay -0
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trả lời câu hỏi tại họp báo.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thời gian vừa qua và qua ý kiến kiến nghị cử tri rất bức xúc, Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" cũng đưa kiến nghị lên Quốc hội.

Qua Kỳ họp thứ 8 và phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đặt ra vấn đề có cấm hay không? Đây có phải thuốc lá hay không, hay là loại gì? Nhiều ý kiến khác nhau, nhưng quan trọng nhất là mọi người đều thống nhất, các loại thuốc lá này đều ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt đối với trẻ em. "Về thẩm quyền, đây là thẩm quyền của Quốc hội và là vấn đề cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nên Quốc hội phải xử lý, quy định ngay trong kỳ họp này, vấn đề cấp bách chúng ta phải làm. Việc đưa vào Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 nội dung này là cần thiết trong thời điểm hiện tại", Phó Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Liên quan câu hỏi về phương án tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị về tinh gọn tổ chức bộ máy mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra tại Hội nghị Trung ương 10. "Nói tinh gọn ở đây không chỉ đơn giản là giảm đi, mà phải "tinh, gọn, mạnh", đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả", ông bổ sung.

Cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Vấn đề cấp bách, Quốc hội phải quy định ngay -0
Quang cảnh họp báo.

Triển khai nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, Quốc hội đã thành lập Ban chỉ đạo mà đồng chí Chủ tịch Quốc hội là Trưởng Ban chỉ đạo. Về thời gian, hiện chúng ta đang thực hiện rà soát, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18, cùng với đó thực hiện việc tinh gọn bộ máy của Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. "Chúng tôi sẽ thông báo rất sớm các phương án khi đã báo cáo với Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội, có thể hết tháng 12/2024 hoặc đầu tháng 1/2025. Sẽ báo để phóng viên kịp thời biết, nắm tình hình, tuyên truyền cho đồng bào, cử tri và nhân dân. Việc này phải thực hiện như đồng chí Tổng Bí thư nói, là không làm ảnh hưởng đến chất lượng các công việc", Tổng Thư ký Quốc hội chia sẻ.

Về ý kiến liên quan mức giảm trừ gia cảnh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Vũ Tuấn Anh cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân giao Chính phủ khi có mức điều chỉnh CPI sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh. "Đúng là nội dung này từ lâu Chính phủ chưa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Chúng tôi cũng thấy mức giảm trừ so với thời điểm điều chỉnh đến nay đã có sự thay đổi. Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã tập trung vào các lĩnh vực vướng mắc, ách tắc, làm sao tháo gỡ ngay, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, ngay trong sửa Luật Thuế giá trị gia tăng có điều chỉnh giảm ngưỡng chịu thuế từ 100 triệu lên 200 triệu, đồng thời điều chỉnh sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo đồng bộ đối với các cá nhân hộ sản xuất kinh doanh, giảm ngưỡng chịu thuế. Còn liên quan giảm trừ gia cảnh chung, theo thẩm quyền về sửa luật, Chính phủ chưa trình để xem xét theo quy định của pháp luật", ông thông tin.

Tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Trước đó, trình bày báo cáo về kết quả kỳ họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, sau 29,5 ngày làm việc (đợt 1: từ ngày 21/10 đến ngày 13/11/2024; đợt 2: từ ngày 20/11 đến ngày 30/11/2024), với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã xem xét 51 nội dung, nhóm nội dung, bao gồm: 33 nội dung thuộc công tác lập pháp, 18 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Vấn đề cấp bách, Quốc hội phải quy định ngay -0
Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang trình bày báo cáo tại họp báo.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, bên cạnh đó đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; cùng với đó, Quốc hội đã xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và nhiều vấn đề quan trọng...

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, đã quyết nghị: Tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.

Tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và giao Chính phủ chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật; đồng thời, đề nghị nghiên cứu, trình Quốc hội trong năm 2025 thông qua điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo đề nghị của Chính phủ. Theo đó, giai đoạn 1, đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách, cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất đến ngày 31/12/2026 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam với số tiền 20.695.100.980.000 đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông Nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

Thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững; trong đó: cho phép Tổng công ty Hàng không Việt Nam chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng; đồng thời, cho phép Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền, còn nợ đến ngày 31/12/2024.

Đồng ý bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương để thực hiện mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 73 của Chính phủ.

Cho phép thực hiện một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai 3 dự án quan trọng của Văn phòng Trung ương Đảng.

Quỳnh Vinh
.
.
.