Cấm mua bán người khi còn đang là bào thai đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm
Bổ sung quy định hành vi nghiêm cấm “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” vào khái niệm mua bán người tại Khoản 1 Điều 2, làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.
Tại dự thảo Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thứ XV đã bổ sung quy định hành vi nghiêm cấm “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” vào khái niệm mua bán người tại Khoản 1 Điều 2, làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai. Trao đổi với phóng viên báo CAND bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình, nhất trí với quy định này.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ cho biết, đây là quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng chống mua bán người từ sớm, từ xa, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Khoản 2 Điều 3 dự thảo luật đã quy định hành vi nghiêm cấm “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.
Mua bán bào thai là một thủ đoạn mới của bọn tội phạm mua bán người. Trong thời gian qua chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý vì trong quy định của Bộ luật Hình sự chưa có. Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi trẻ em thì việc bổ sung quy định tại nghiêm cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai trong dự thảo luật tạiKỳ họp thứ 8 lần này là hết sức cần thiết và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm. Quy định này sẽ góp phần trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ và phù hợp với các quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Cũng đồng tình quan điểm trên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, ĐBQH Nam Định, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, theo pháp luật hình sự, dân sự và theo y học thì bao thai không được công nhận là con người. Vì vậy không thuộc khái niệm hành vi mua bán người. Do đó, cũng không phải tội phạm mua bán người. Chính vì vậy, lần này Dự thảo luật bổ sung hành vi nghiêm cấm thỏa thuận mua bán người từ trong bào thai là nội dung hoàn toàn chính xác, sẽ ngăn ngừa được các hành vi thỏa thuận mua bán đứa trẻ khi còn đang trong bụng mẹ.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu quan điểm quy định thêm cấm mua bán người khi còn là bào thai thì luật sẽ bao phủ được hết nội dung phòng chống mua bán người và phòng trừ được việc mua bán người khi còn là bào thai. Trước đây, chúng ta chưa có chế tài để xử lý, nếu được Quốc hội thông qua luật thì chúng ta có chế tài xử lý hành vi này. Bên cạnh đó, việc cấm mua bán người khi còn là bào thai sẽ đảm bảo tính nhân văn và bảo vệ quyền lợi của cả người mẹ và trẻ em từ khi đứa trẻ chưa được sinh ra .