Bộ Tư pháp nói về "tội phạm tham nhũng nộp tiền được xem xét giảm án"
Chiều 19/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ thông báo về kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2022. Tại buổi họp báo, một số vấn đề “nóng” đã được Bộ Tư pháp giải đáp.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự khẳng định, đề xuất cho tội phạm tham nhũng nộp tiền thay cho trách nhiệm hình sự mà Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng mới đây không phải quan điểm mới.
Theo ông Lợi, Nghị quyết Trung ương 3 khóa X đã nêu rõ: "Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng".
Vì thế, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự cho rằng, người phạm tội ăn năn, nộp lại tài sản thì khi xét xử được xem xét giảm hình phạt là cần thiết.
Ông Lợi nói thêm: Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế luôn gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là các bản án tuyên số tiền phải thu hồi, thi hành rất lớn nhưng tài sản đảm bảo thực tế thi hành án thì rất ít. Có trường hợp có tài sản đảm bảo thi hành nhưng giá trị pháp lý, tính chất pháp lý của tài sản đó chưa được làm rõ nên gặp khó khăn. Có trường hợp án tuyên đưa ra một tài sản nhưng thông tin về tài sản đó không rõ.
"Chúng tôi phải yêu cầu chấp hành viên, cơ quan thi hành án làm rõ tính chất pháp lý để đảm bảo đưa ra kê biên xử lý. Trình tự, thủ tục kê biên xử lý tài sản trong các vụ án bình thường đã phải rất chặt chẽ, thận trọng nhưng trong những vụ án tham nhũng, kinh tế, chúng tôi yêu cầu phải làm rất chặt chẽ để không có sai sót"- ông Lợi nhấn mạnh.
Cùng tham gia buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, liên quan đến đấu giá đất ở huyện Đan Phượng, sau buổi thanh tra, Cục đã đưa ra một số kiến nghị như huỷ một số lô đất người trúng đấu giá không đủ điều kiện và huỷ một số lô đất không đủ điều kiện đưa ra đấu giá.
"Hồ sơ toàn bộ vụ đấu giá đã được chúng tôi thu hồi. Huyện Đan Phượng đề nghị không huỷ các lô đất, các lô đất đã được chuyển nhượng cho người thứ 3, nếu hủy sẽ ảnh hưởng tới người thứ 3. Căn cứ theo quy định pháp luật, chúng tôi đang rà soát hồ sơ một lần nữa, vì liên quan tới nhiều bên. Phải thận trọng nghiên cứu đề xuất kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với những lô đất đấu giá này", bà Mai cho hay.
Tại họp báo, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm, cùng với việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, toàn Ngành chú trọng triển khai các nhiệm vụ. Bộ Tư pháp được giao thực hiện thêm 94 nhiệm vụ, đã hoàn thành 63 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.
Cũng theo báo cáo, phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung ghi nhận có hơn 26,7 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh; hơn 3,9 triệu hồ sơ đăng ký khai tử; hơn 113 nghìn trường hợp nhận cha mẹ con; hơn 14 nghìn trường hợp đăng ký giám hộ; hơn 12 nghìn trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; hơn 28 nghìn trường hợp đăng ký cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.
Các công tác khác như: Tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp; pháp luật quốc tế, phổ biến, giáo dục pháp luật; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký giao dịch bảo đảm; bồi thường nhà nước; xuất bản, báo chí... tiếp tục được triển khai nghiêm túc, chủ động, bám sát các văn bản chỉ đạo của của các cấp và đạt được nhiều kết quả...