Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Công tác giáo dục cải tạo, lao động, dạy nghề đối với phạm nhân là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong công tác thi hành án phạt tù, là trách nhiệm của các trại giam nhằm chuẩn bị cho phạm nhân về tâm lý, kỹ năng, thái độ để chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Sáng 3/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra và thảo luận về dự thảo Nghị quyết này để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3.
Tạo cơ hội cho phạm nhân lao động, học nghề
Theo Bộ trưởng Tô Lâm thì thời gian qua, công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng tạo áp lực lớn đối với công tác quản lý giam giữ và giáo dục cải tạo, việc tổ chức lao động cho phạm nhân vốn đang gặp nhiều khó khăn, lại càng khó khăn hơn. “Trong khi đó, hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, rất khó khăn trong việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam. Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải hợp tác với các tổ chức, cá nhân để mở rộng ngành nghề liên quan đến công nghệ, máy móc,… tạo cơ hội cho phạm nhân lao động, học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đã nêu những khó khăn trong thực tiễn công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục, cải tạo phạm nhân trong tình hình hiện nay, những quy định của pháp luật về vấn đề này và cho biết, công tác trên đòi hỏi phải có cơ chế mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam thực hiện.
Đồng chí Bộ trưởng cũng cho biết, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có quy định thành lập các khu lao động, dạy nghề, hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trên đất trại giam quản lý. Tuy nhiên, việc mời gọi hợp tác này gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do đặc thù các trại giam đóng quân tại địa bàn xa các trung tâm kinh tế, chính trị của địa phương, khó tiếp cận với các thị trường tiêu thụ sản phẩm như đô thị, thành phố, khu công nghiệp; giao thông đi lại khó khăn làm tăng chi phí vận chuyển, chi phí tiêu hao, giá thành sản phẩm lao động. Một số trại giam gần trung tâm thì diện tích nhỏ hẹp rất khó bố trí quỹ đất để phối hợp, hợp tác.
“Pháp luật về quản lý đất đai hiện hành có quy định cho phép trại giam được sử dụng đất, hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức cá nhân để xây dựng nhà xưởng lao động, tạo việc làm, ngành nghề để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trên đất do trại giam quản lý. Tuy nhiên, quy định việc sử dụng đất rất chặt chẽ, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ an ninh là chính. Các doanh nghiệp, cá nhân hợp tác chỉ được phép khai thác tài sản đầu tư trên đất, quyền trực tiếp quản lý đất đai, quản lý lao động là các trại giam. Khi cơ quan có thẩm quyền (Bộ Công an) quyết định thu hồi, xoá bỏ phương án sử dụng đất thì rủi ro thiệt hại về giá trị tài chính, thanh lý hợp đồng, tài sản trên đất cơ bản sẽ do tổ chức, cá nhân hợp tác, phối hợp với các trại giam chịu trách nhiệm, tiềm ẩn nhiều thiệt hại về kinh tế dẫn đến các tổ chức, cá nhân ngần ngại xem xét đầu tư hoặc khó thực hiện mong muốn hợp tác lao động, tạo việc làm, ngành nghề có tính lâu dài với các trại giam” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng, ngành nghề lao động, việc làm cho phạm nhân trong các trại giam hiện nay chủ yếu là các ngành nghề đơn giản như: lao động nông, lâm nghiệp, thủ công, lao động chân tay, sơ chế…, yêu cầu về trình độ, kỹ năng lao động thấp. Mặt khác, thời gian hợp tác thường ngắn hạn, theo từng năm, mang tính thời vụ, không lâu dài. Do vậy các ngành nghề này ít có khả năng hình thành kỹ năng nghề lao động thường xuyên và có hiệu quả hạn chế trong việc nâng cao trình độ kỹ năng lao động của phạm nhân trong thời gian chấp hành án, khó đáp ứng yêu cầu, trình độ của thị trường lao động ngoài xã hội nên giảm hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng. Trong khi số lượng phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trong độ tuổi sung sức lao động (từ 18 đến 45 tuổi), có nhu cầu lớn để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống chiếm tỷ lệ rất cao trên tổng số phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hằng năm (trung bình là 86,41%).
Công tác giáo dục cải tạo, lao động, dạy nghề đối với phạm nhân là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong công tác thi hành án phạt tù, là trách nhiệm của các trại giam nhằm chuẩn bị cho phạm nhân về tâm lý, kỹ năng, thái độ để chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc trại giam bố trí, sắp xếp, tổ chức cho phạm nhân lao động thường xuyên, môi trường lao động tiêu chuẩn, có dây chuyền, công nghệ sản xuất sát với yêu cầu thị trường lao động là rất quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu này, nhiều trại giam không có khả năng tạo ra việc làm, công nghệ mà phải tìm kiếm hợp tác với tổ chức, cá nhân để bố trí việc làm, đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan.
“Từ những lý do nêu trên, Chính phủ nhận thấy việc đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Tán thành thí điểm tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, chính sách nhất quán của Nhà nước ta là: “Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội...” Theo đó, chế độ lao động có vai trò rất quan trọng trong giáo dục cải tạo phạm nhân và là bước chuẩn bị các điều kiện để cho họ tái hòa nhập cộng đồng. Trong điều kiện giam giữ số lượng lớn phạm nhân, việc tổ chức lao động còn nhằm bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ, phòng ngừa nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam.
Trong những năm qua, Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm “Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng”, đặc biệt là việc thu hút doanh nghiệp, cá nhân hợp tác với các trại giam để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Tuy nhiên, do phần lớn các trại giam đóng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông không thuận lợi, diện tích đất được giao hạn chế, thổ nhưỡng cằn cỗi nên khó thu hút được doanh nghiệp hợp tác với trại giam. Việc tổ chức lao động trong các trại giam chủ yếu vẫn là canh tác nông nghiệp hoặc gia công tiểu thủ công nghiệp đơn giản, năng suất, giá trị sản phẩm lao động thấp, quỹ tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân thu được không đáng kể; việc hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân hầu hết không phù hợp với thực tiễn lao động ngoài xã hội. Thực trạng này đã làm hạn chế rất lớn đến hiệu quả giáo dục cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp tại các trại giam.
“Từ những lý do nêu trên, chúng tôi tán thành với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Việc ban hành Nghị quyết này ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội. Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh và cho biết, mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự.