Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: "Nếu ký hợp đồng như thế, chắc chúng tôi không thể ngồi đây"

Thứ Năm, 09/06/2022, 15:14

Trước đây, đa số các dự án bố trí nhỏ giọt, bố trí tiền không đủ và kéo dài, dẫn đến lãng phí, "thi công hoài mà không xong". Trong khi hiện nay với quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ còn đi kiểm tra công trường, giám sát sâu sát; các cơ quan, các địa phương cũng ý thức là dự án trọng điểm sẽ góp phần tạo đột phá cho phát triển kinh tế địa phương.

Tiếp tục chương trình chất vấn "Tư lệnh" ngành Giao thông, chiều 9/6, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tranh luận. ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) nêu dẫn chứng kết quả kiểm toán 83 dự án BOT và BT giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí so với phương án ban đầu là 302 năm, trong đó có dự án giảm thời gian thu phí lên đến 10 năm. Thực tế chứng minh có những khó khăn trong giám sát quy trình thực hiện các dự án BOT, đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm về thực trạng này và những giải pháp khắc phục.

9 dự án chậm tiến độ là hiện hữu, trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng thế nào? -0
Đại biểu Lê Minh Nam tranh luận.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, vấn đề này cần phải được nghiên cứu thật kỹ. Khi chưa có Luật Đầu tư công, theo Nghị định của Chính phủ, việc đấu thầu dự án BOT là khi dự án đầu tư được duyệt, chưa phải là thiết kế kỹ thuật được duyệt, chưa phải dự toán được duyệt. Dự án đầu tư có nghiên cứu, có phần dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá...

Theo quy định hợp đồng là hợp đồng nguyên tắc, ký hợp đồng theo dự án được duyệt. Trong hợp đồng có đưa điều khoản, sau khi dự án hoàn thành, căn cứ vào kết quả quyết toán của dự án thì Bộ GTVT và nhà đầu tư điều chỉnh thời gian thu phí theo số liệu thực mà dự án được triển khai. "Vì vậy chúng ta có hai con số, con số kiểm toán nêu ra là đúng nhưng chưa đúng bản chất, bởi chỉ đúng theo hợp đồng nguyên tắc, khi chưa có hồ sơ thiết kế, chưa triển khai, chưa giám sát, chưa điều chỉnh hợp đồng. Chứ nếu Bộ GTVT mà ký hợp đồng như thế thì chắc chắn anh em chúng tôi không thể ngồi ở đây...", Bộ trưởng lý giải.

9 dự án chậm tiến độ là hiện hữu, trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng thế nào? -0
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lần thứ hai lên "ghế nóng".

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, từng dự án BOT sau khi hoàn thành, được kiểm toán, quyết toán và ký hợp đồng sẽ điều chỉnh thời gian thu phí. Nên số liệu kiểm toán và số liệu Bộ trưởng ký không khác nhau mà khác với hợp đồng nguyên tắc.

ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) băn khoăn việc các dự án lớn mới đầu tư chậm tiến độ và hiện chưa khắc phục được, tuy nhiên Bộ GTVT lại trình 5 dự án lớn tiếp theo. "Nếu thời gian tới cùng lúc có 9 dự án thực hiện thì khả năng chậm tiến độ là hiện hữu. Trong khi Luật đầu tư công quy định thời hạn cho các loại dự án. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, hiện có bao nhiêu nhà thầu thi công đủ năng lực thực hiện dự án này? Có bao nhiêu máy móc cùng thi công 9 dự án trên? Nếu không đảm bảo tiến độ thì trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng thế nào?", đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, có 48 nhà thầu từng làm công trình giao thông cấp 1 (làm được cao tốc), đảm nhận được dự án từ 1.000 tới 5.000 tỷ đồng. Trong đó có 2 nhà thầu có thể làm dự án hơn 5.000 tỷ đồng. Với lực lượng đông đảo như vậy chúng ta có thể đấu thầu để lựa chọn, và trong quá trình triển khai dự án thì không phải nhà thầu chính làm 100% mà thường có 30% là thuê nhà thầu phụ.

9 dự án chậm tiến độ là hiện hữu, trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng thế nào? -0
Đại biểu Lê Hoàng Anh chất vấn.

Về vấn đề chậm tiến độ, Bộ trưởng cho rằng hiện nay khác với trước và không có nhiều, bởi vì theo Luật Đầu tư công mới, các dự án đều được bố trí đủ tiền, phân định loại dự án, tiến độ, giai đoạn. "Do đó, chậm tiến độ hiện nay không phải liên quan đến nguồn vốn mà chậm là do khâu tổ chức thực hiện và ảnh hưởng thời tiết, địa chất...", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, trước đây, đa số các dự án bố trí nhỏ giọt, bố trí tiền không đủ và kéo dài, dẫn đến lãng phí, "thi công hoài mà không xong". Trong khi hiện nay với quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ còn đi kiểm tra công trường, giám sát sâu sát; các cơ quan, các địa phương cũng ý thức là dự án trọng điểm sẽ góp phần tạo đột phá cho phát triển kinh tế địa phương, tạo điều kiện không gian mới, do đó đều rất quyết tâm. Giai đoạn từ nay về sau vấn đề chậm tiến độ của các dự án sẽ được giảm nhẹ hơn...

An Quỳnh
.
.
.