Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu một số vấn đề xung quanh dự án Luật Dữ liệu
Phát biểu tại Phiên họp thứ 38 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 14/10 về dự án Luật Dữ liệu, Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an sẽ báo cáo Chính phủ có những quy định cụ thể về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia để huy động được nguồn lực xã hội cho xây dựng và phát triển dữ liệu quốc gia.
Dữ liệu vừa là tài nguyên, vừa là nguồn lực, vừa là động lực để phát triển sản xuất
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc khẩn trương, tích cực xây dựng, hoàn thiện dự án luật, kỳ vọng dự án luật này khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tạo nên một hệ thống dữ liệu tập trung, thống nhất, đồng bộ, rất khổng lồ, trở thành "kho tài sản vô giá" của Nhà nước ta.
Đề cập việc nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác và sử dụng dữ liệu; quản lý, khai thác, vận hành dữ liệu không phải là vấn đề mới đối với nước ta, nhưng quy định tập trung, thống nhất trong một đạo luật là vấn đề mới trong hoạt động lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thêm kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là những nước có thể chế chính trị, kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ đồng tình, đánh giá cao Cơ quan soạn thảo đã tích cực, khẩn trương hoàn thành dự án luật khó, chuẩn bị kỹ lưỡng, dày dặn, đủ điều kiện trình Quốc hội; nhất trí với các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN).
Theo ông, trước đây Chính phủ đề nghị thông qua dự án Luật Dữ liệu tại 2 kỳ họp, song ngày 5/10/2024, Ban Cán sự Đảng Chính phủ có văn bản gửi Văn phòng Trung ương đề xuất việc báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến để Quốc hội xem xét, thông qua Luật Dữ liệu theo quy trình 1 kỳ họp do đây là dự án luật hết sức quan trọng, cần thiết, cấp bách để đảm bảo công tác chuyển đổi số, tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin...
"Chính phủ có đề nghị như vậy, tôi báo cáo thêm để UBTVQH cho ý kiến về vấn đề này, trên cơ sở cấp có thẩm quyền cho ý kiến chúng ta sẽ triển khai", ông nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Cơ quan chủ trì soạn thảo đối với một dự án luật khó. Đồng ý với sự cần thiết và mục đích việc xây dựng dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT cho rằng, đáng lẽ luật này nên được ban hành từ lâu, tạo cơ sở pháp lý quan trọng đẩy mạnh việc xây dựng và quản lý dữ liệu.
"Dữ liệu vừa là tài nguyên, vừa là nguồn lực, vừa là động lực để phát triển sản xuất và rất cần có một đạo luật chung để có thể điều chỉnh thống nhất tất cả các hoạt động liên quan đến dữ liệu", ông nêu quan điểm, đồng thời đề nghị Cơ quan soạn thảo có thêm quy định về dữ liệu mở để huy động được nhiều nguồn lực của xã hội, cá nhân, cộng đồng; làm rõ các nội hàm về quản lý trao đổi dữ liệu xuyên biên giới...
Luật Dữ liệu không mâu thuẫn, chồng chéo với các dự án luật khác
Phát biểu tại phiên họp, thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Dữ liệu, Bộ trưởng Lương Tam Quang chân thành cảm ơn các ý kiến của UBTVQH, khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp UBQPAN, Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, đảm bảo cả về nội dung và kỹ thuật.
Về ý kiến băn khoăn, dự án Luật Dữ liệu mâu thuẫn, chồng chéo với một số dự án luật khác, Bộ trưởng Lương Tam Quang lý giải: Luật Giao dịch điện tử chủ yếu tập trung quy định về kết nối, liên thông, ứng dụng dữ liệu trong các giao dịch điện tử, còn Luật Dữ liệu tập trung quy định các nội dung mang tính cụ thể về hoạt động xử lý dữ liệu, chiến lược dữ liệu, quản trị và điều phối dữ liệu và việc áp dụng chung đối với tất cả các dữ liệu ở cơ quan Nhà nước. Luật này cũng sẽ góp phần hoàn thiện, bổ sung đầy đủ những quy định pháp luật, điều chỉnh các hoạt động liên quan đến dữ liệu.
Liên quan Luật Công nghiệp công nghệ số, chủ yếu tập trung về hoạt động của công nghiệp công nghệ số, sử dụng dữ liệu số để phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp công nghệ số; trong khi Luật Dữ liệu sẽ điều chỉnh toàn diện đối với việc khai thác, phát triển các sản phẩm, dịch vụ và dữ liệu liên quan phân tích, tổng hợp dữ liệu, dịch vụ trung gian dữ liệu, sàn giao dịch dữ liệu. "Các sản phẩm, dịch vụ này không trùng lặp với sản phẩm của Luật Công nghiệp công nghệ số mà sẽ là công cụ quan trọng để thúc đẩy hoạt động công nghiệp công nghệ số. Trong quá trình xây dựng luật, Cơ quan soạn thảo cũng sẽ tiếp tục rà soát, đối chiếu với các pháp luật có liên quan để chỉnh lý làm sao bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật", Bộ trưởng khẳng định.
Liên quan vấn đề phát triển và quản trị dữ liệu, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh lý để quy định rõ việc quản lý, sử dụng đối với các dữ liệu do các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, và sẽ xử lý dữ liệu do các cá nhân hoặc các tổ chức khác thu thập, tạo lập, tạo thuận lợi cho việc kết nối và chia sẻ dữ liệu.
Cần thiết hình thành Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
Về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, Bộ trưởng thông tin, ngân sách Nhà nước (NSNN) bố trí cho hoạt động chuyển đổi số nói chung và việc xây dựng, phát triển dữ liệu còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc lập quỹ nhằm thúc đẩy ứng dụng dữ liệu, mức độ chuyển đổi số ở các vùng, miền, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt là việc nghiên cứu giải pháp gia tăng bảo vệ dữ liệu. Bộ Công an sẽ báo cáo Chính phủ có những quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia để huy động được nguồn lực xã hội cho xây dựng và phát triển dữ liệu quốc gia.
"Khi tôi được Bộ Chính trị phân công làm Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, làm việc với các nước trên thế giới, họ sẵn sàng ký kết, chia sẻ những vấn đề về an ninh mạng và những vấn đề mới nổi. Hoạt động của hiệp hội hoàn toàn từ kêu gọi xã hội hoá, các nguồn lực khác. Việc hình thành quỹ này là cần thiết, phù hợp với quy định của Luật NSNN. Chúng tôi sẽ rà soát, chỉnh lý, quy định rõ nguyên tắc hoạt động của quỹ, đảm bảo không vì mục đích lợi nhuận, quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng, triển khai, khai thác, ứng dụng quản trị dữ liệu mà NSNN chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu" - Bộ trưởng nêu thực tế và cho rằng, hoạt động của Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia cũng sẽ không trùng lắp với các loại quỹ khác.
Về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 25), Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo luật để đồng bộ, thống nhất với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết các quy trình để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật...
Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, UBTVQH nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu; đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án luật của Chính phủ và Cơ quan soạn thảo, dù thời gian gấp nhưng hồ sơ cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; UBQPAN tích cực phối hợp ngay từ đầu và đã tổ chức thẩm tra với nhiều ý kiến phân tích, phản biện rất toàn diện và cụ thể.
"UBTVQH thấy rằng đây là một dự án luật khó, tác động sâu sắc đến quá trình chuyển đổi số, nhiều vấn đề mới đang hình thành, phát triển, chưa có cơ sở thực hiện, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, báo cáo thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 theo quy định. Trong trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định thông qua trong 1 kỳ họp thì tập trung dồn sức để có thể thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục rút gọn của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.