Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu giải pháp khi xót xa nhìn bà con "đốn điều trồng sầu riêng"

Thứ Tư, 21/08/2024, 10:32

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, thấy cảnh bà con "đốn điều trồng sầu riêng", khi ông hỏi thì bà con nói: "Thì ông cứ nghĩ coi, bây giờ trồng sầu riêng thu nhập 1 tỷ đồng/ha, còn cây điều chúng tôi thu nhập khoảng 35-40 triệu đồng/ha, ông nhìn xem chúng tôi nên như thế nào?".

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 21/8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Văn Hùng liên tục được mời "đăng đàn", giải đáp chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Liên kết "những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn", xây dựng thương hiệu nông sản Việt

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu giải pháp khi xót xa nhìn bà con đốn điều trồng sầu riêng -0
ĐBQH Phạm Hùng Thắng chất vấn từ điểm cầu Hà Nam.

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) về chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, công tác các quy hoạch và phê duyệt quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ hết sức quan trọng của công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng đến công tác này, còn thiếu đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch đất đai nên trong quá trình thực hiện gặp rào cản, khiến cho sự phát triển về nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; có tình trạng bà con tự phát trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dẫn đến phát triển nông nghiệp thiếu bền vững.

Đề cập giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định chủ trương mở cửa thị trường nhất quán để tạo điều kiện cho dòng chảy của nông sản từ đồng ruộng tới được người tiêu dùng; thời gian vừa qua, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương liên tục có những Nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản ngoài việc tiêu thụ trong nước. Trong đó, vấn đề chuẩn hóa tất cả các tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn. "Chúng ta không thể nói vấn đề tiêu thụ là vấn đề của thị trường, nếu hàng hóa của chúng ta không đạt được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp nước ta", ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu giải pháp khi xót xa nhìn bà con đốn điều trồng sầu riêng -0
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn.

Tiếp đó, cần xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh để khắc phục tính manh mún của nền nông nghiệp. Có chính sách để liên kết được "những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, những khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn". Bộ trưởng cho rằng, đây là vấn đề cần các địa phương quan tâm hơn nữa, bởi một mình Bộ NN&PTNT không thể làm hết tất cả việc đó. Bộ có vai trò kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách phù hợp. Khi chính sách có rồi thì việc hành động ở cấp độ địa phương cũng cần quyết liệt.

Liên quan ý thứ hai mà ĐBQH Phạm Hùng Thắng nêu về chính sách pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sở hữu độc quyền, nhãn hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ cũng đang nghiên cứu rất sâu vấn đề này, vì nếu nông sản có thương hiệu sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định.

Cụ thể là chưa có nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ để ban hành nghị quyết về thương hiệu. Bên cạnh đó, vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu. "Nhãn hiệu xây dựng và bảo hộ dễ hơn, nhưng thương hiệu là niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng, tiêu chuẩn, độ đồng đều, về sự nhất quán trong nhiều năm đối với một sản phẩm nào đó, chứ không phải là chỉ là một sản phẩm trong một thời kỳ" - Bộ trưởng phân tích và cho biết, Bộ NN&PTNT đang cùng với Bộ Công Thương phối hợp xây dựng thương hiệu của nông sản. Muốn vậy, phải có vùng nguyên liệu tập trung để có những sản phẩm đồng đều, quy chuẩn hóa các nông sản chủ lực, xây dựng thiết chế bảo vệ hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu giải pháp khi xót xa nhìn bà con đốn điều trồng sầu riêng -0
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang chất vấn từ điểm cầu Bình Phước.

Về chất vấn của ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) liên quan giải pháp bảo đảm giá trị thương hiệu nông sản Việt như hạt điều, sầu riêng, cũng như bảo vệ được quyền lợi và cải thiện đời sống của người dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể về câu chuyện một lần ông đi công tác ở Bình Phước, chứng kiến người nông dân "đốn điều, trồng sầu riêng", trong khi đây là thủ phủ, là vương quốc của hạt điều mà bà con đã gắn bó bao đời nay.

"Khi tôi hỏi thì bà con nói: "Thì ông cứ nghĩ coi, bây giờ trồng sầu riêng thì thu nhập 1 tỷ đồng/ha, còn cây điều chúng tôi thu nhập khoảng 35-40 triệu đồng/ha, ông nhìn xem chúng tôi nên như thế nào?" Một câu rất là đắng lòng", Bộ trưởng nhớ lại. Từ đó, ông nêu giải pháp: tổ chức mô hình khuyến nông để trồng nấm Linh Chi đỏ dưới tán điều, trong đó vườn điều đa tầng giá trị do nấm Linh Chi đỏ có thể đem lại giá trị rất cao; đẩy mạnh việc sản xuất, chế biến điều đa dạng; xây dựng chuỗi chia sẻ, liên kết giữa người trồng điều với những doanh nghiệp chế biến...

Đối với sầu riêng, nếu muốn xây dựng thương hiệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn thì phải xây dựng hiệp hội ngành hàng, trong đó có sự liên kết của các doanh nghiệp, nhà vườn với bà con nông dân. Cùng với đó, mở cửa thị trường sầu riêng nguyên trái, cơm sầu riêng chế biến... "Để đưa sầu riêng trở thành một sản phẩm quốc gia thì phải có một thiết chế quốc gia để điều chỉnh chính sách chung cho sầu riêng, cho người nông dân, doanh nghiệp về khoa học công nghệ, về đầu tư hạ tầng nếu chúng ta muốn đi xa, bởi vì chúng ta là người đi sau một số quốc gia xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc như Thái Lan", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm.

Xử phạt hàng chục nghìn tỷ đồng hành vi gian lận thương mại

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu giải pháp khi xót xa nhìn bà con đốn điều trồng sầu riêng -0
ĐBQH Chu Thị Hồng Thái chất vấn từ điểm cầu Lạng Sơn.

Vấn đề gian lận thương mại được nhiều ĐBQH quan tâm chất vấn "Tư lệnh" ngành Công thương. ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho rằng, công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả vẫn chưa được như mong muốn. Tình trạng hàng giả, hàng lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, có hệ thống và gần đây thực sự chủ yếu xuất hiện nhiều trên không gian mạng. Bộ trưởng có giải pháp, chế tài như thế nào đủ sức răn đe xử lý các trường hợp vi phạm về xuất xứ hàng hóa?

"Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu đang trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, làm tổn hại đến doanh nghiệp chân chính và quyền lợi người tiêu dùng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp nào đã và đang triển khai để hướng tới xử lý triệt để vấn đề này?" - ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong kinh tế thị trường thì việc phòng, chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế... là công việc vô cùng quan trọng, đồng thời cũng là thách thức rất lớn đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhất là trong môi trường thương mại điện tử. Để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tham mưu theo cấp thẩm quyền ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách để khắc phục.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu giải pháp khi xót xa nhìn bà con đốn điều trồng sầu riêng -0
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn.

Trong đó có việc xây dựng cơ sở dữ liệu, cũng như chia sẻ thông tin với các cơ quan có liên quan để xử lý những vấn đề này, bao gồm: Công an, Tài chính và Ngân hàng. "Chính vì áp dụng hàng loạt các biện pháp như thế cho nên trong thời gian vừa qua đã xử lý hàng chục ngàn trường hợp vi phạm, thu về cho ngân sách Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng", ông thông tin.

 Về giải pháp trước mắt, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; triển khai thực hiện hiệu quả đề án chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường và làm tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan, bao gồm: Bộ Công thương; Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước; Bộ Tài chính để quản lý vấn đề này; nâng cao hiệu quả Cổng thông tin điện tử tiếp nhận và xử lý thông tin về vi phạm gian lận thương mại; làm tốt công tác truyền thông để giúp người tiêu dùng nâng cao hiểu biết và tự bảo vệ mình...

"Bên cạnh đó, Bộ đã xử lý kịp thời, nghiêm minh những sai phạm, luân chuyển vị trí công tác của những người làm trong lĩnh vực này, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra. Triển khai hiệu quả thực hiện đề án chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói và nhấn mạnh, việc này không chỉ Bộ Công Thương mà chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất cùng vào cuộc, phối hợp các cơ quan chức năng cả trong và ngoài nước để xử lý. Vì đối với thương mại điện tử, nguồn hàng từ nước ngoài vào là rất lớn, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ các cơ quan chức năng.

Quỳnh Vinh
.
.
.