Bộ trưởng GTVT: Địa phương cũng phải chịu trách nhiệm về sai phạm của đăng kiểm
Ngày 9/2, tại Hội nghị Tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng băn khoăn khi nói về sai phạm đăng kiểm: “Phải chăng tất cả là lỗi của Cục Đăng kiểm hay của cả địa phương vì rõ ràng vai trò trách nhiệm của các địa phương trong vấn đề này cũng là rất lớn”.
Bộ trưởng Thắng cho rằng, "nguyên nhân chính là phân cấp, phân quyền cho địa phương". Theo Bộ trưởng, một số địa phương cho thành lập các trung tâm đăng kiểm "vô tội vạ". Khi có nhiều trạm đăng kiểm thì doanh thu không đủ chi phí, có trạm đăng kiểm lôi kéo doanh nghiệp vận tải dẫn tới tiêu cực, bỏ qua các lỗi vi phạm. Thậm chí, sự cạnh tranh khốc liệt hơn là dung túng, thông đồng chủ xe để cơi nới kích thước thành, thùng hàng. Rõ ràng, vai trò trách nhiệm của các địa phương rất lớn. Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải phân cấp phân quyền nhưng sẽ siết chặt thanh kiểm tra. Các Sở Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân tỉnh cần phân tích rất rõ ranh giới, phối hợp nhau để chỗ nào có lỗ hổng thì bịt, quy định lỏng lẻo phải siết lại, chặt quá thì mở ra…
"Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đang làm và đề nghị các tỉnh phối hợp làm tốt hơn đồng thời gắn với cả đồng trách nhiệm cụ thể,” Bộ trưởng quả quyết.
Phát biểu thêm tại Hội nghị, Bộ trưởng cho rằng, trong năm 2022, tai nạn giao thông đã giảm rất sâu 3 tiêu chí. Một phần nguyên nhân do người tham gia giao thông uống bia rượu trong ngày Tết giảm sâu so với năm trước đó. Đây là kinh nghiệm cần tiếp tục phát huy trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Nhấn mạnh nhân dân rất đồng tình ủng hộ và lực lượng chức năng tăng cường xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải cho biết Bộ trưởng Bộ Công an đã có Chỉ thị tiếp tục tập trung duy trì mạnh mẽ kiểm tra xử lý đối với các trường hợp sử dụng rượu bia nhưng vẫn tham gia giao thông để hạn chế các vụ tai nạn giao thông thương tâm.
Về vấn đề này, Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, năm 2023,các địa phương sẽ quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn và kiên quyết hình thành thói quen đã uống rượu bia không lái xe, chấn chỉnh người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ để đảm bảo thượng tôn pháp luật…
“Hiện nay, người dân khi đi đăng ký xe, đăng ký kết hôn… đều phải "xách xe" ra đường nên công an tập trung đẩy mạnh dịch vụ công, ứng dụng công nghệ thông tin để người dân có thể nộp phạt xử lý vi phạm hay đăng ký xe tại nhà tránh ùn tắc và tai nạn giao thông; nghiên cứu phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng…,” Thượng tá Huy cho biết thêm.
Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội có chuyển biến tích cực và các hoạt động giao thông vận tải sẽ tăng cao trong năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nếu không có giải pháp kiểm soát quyết liệt thì nguy cơ mất an toàn giao thông trong năm nay là rất cao. Trong khi mục tiêu đặt ra kéo giảm tai nạn giao thông rất kỳ vọng từ 5-10% nhưng mong muốn tối thiểu giảm ít nhất là 10% ở cả 3 tiêu chí tại mỗi địa phương và cả nước. Do vậy, Bộ trưởng gợi ý cần có các giải pháp thiết thực, chủ động phù hợp với tình hình thực tế để hướng đến các mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ, đô thị nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra .
30 vụ TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra năm 2022
Báo cáo tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/12/2022, toàn quốc xảy ra 11.457 vụ TNGT, làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người. So với năm 2021, số vụ TNGT giảm 38 vụ (giảm 0,33%), tăng 598 người chết (tăng 10,31%), giảm 214 người bị thương (giảm 2,67%). Tuy nhiên nếu so sánh với năm 2019 (trước khi xảy ra COVID-19): số vụ TNGT giảm 6.216 vụ (giảm 35,2%), giảm 1.246 người chết (giảm 16,3%), giảm 5.841 người bị thương (giảm 42,81%). Trong đó, đường bộ xảy ra 11.323 vụ, làm chết 6.265 người, bị thương 7.777 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 41 vụ (giảm 0,36%), tăng 566 người chết (tăng 9,93%), giảm 224 người bị thương (giảm 2,8%). Trong đó, có 30 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 97 người, bị thương 42 người. Đường sắt xảy ra 95 vụ, làm chết 74 người, bị thương 21 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 26 vụ (tăng 37,68%), tăng 20 người chết (tăng 37,04%), tăng 5 người bị thương (31,25%). Đường thuỷ xảy ra 32 vụ TNGT, làm chết 45 người, bị thương 6 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 21 vụ (giảm 39,62%), tăng 10 người chết (tăng 28,57%), tăng 5 người bị thương (500%). Ở lĩnh vực hàng hải xảy ra 7 vụ TNGT, làm chết và mất tích 13 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 2 vụ (giảm 22,22%), tăng 2 người chết và mất tích (18,18%), số người bị thương không thay đổi.