Bộ trưởng Bộ Nội vụ lý giải nguyên nhân còn 40,39% trụ sở dôi dư chưa xử lý

Thứ Tư, 21/08/2024, 16:03

Tiếp tục Chương trình Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 21/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành chất vấn nhóm lĩnh vực thứ hai gồm 6 lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; ANTT, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Trong đó, lĩnh vực Tư pháp, trách nhiệm trả lời thuộc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Lĩnh vực Nội vụ, trách nhiệm trả lời thuộc Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội, trách nhiệm trả lời thuộc Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Lĩnh vực Thanh tra, trách nhiệm trả lời thuộc Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Lĩnh vực Tòa án, trách nhiệm trả lời thuộc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Lĩnh vực Kiểm sát, trách nhiệm trả lời thuộc Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ lý giải nguyên nhân còn 40,39% trụ sở dôi dư chưa xử lý -0
ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân đặt câu hỏi chất vấn.

Lĩnh vực Nội vụ, Tư pháp nhận được nhiều câu hỏi chất vấn hơn cả. Trả lời câu hỏi của ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) về giải pháp tháo gỡ khó khăn sau sắp xếp đơn vị hành chính; câu hỏi của ĐBQH Hoàng Quốc khánh (Lai Châu) việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua có bị chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vấn đề sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019- 2021 đã được giải quyết khá cơ bản. Đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện còn 58 người (chiếm 8,22%) và ở cấp xã là 1.405 người (chiếm 14,49%).

Theo kế hoạch được giao, đến năm 2025 phải giải quyết xong, Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa...; bên cạnh đó chia sẻ với các địa phương còn gặp những khó khăn trong giải quyết vấn đề này do số lượng đơn vị hành chính cấp xã lớn. Để tiếp tục giải quyết và chuẩn bị cho giai đoạn 2023- 2030, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quan trọng để giải quyết vấn đề này, trên tinh thần Nghị quyết 35, như Nghị định số 29 về chính sách tinh giản biên chế.

Bộ trưởng mong muốn, thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung, trách nhiệm để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trên cơ sở những chính sách hiện có, cố gắng đến hết năm 2025 kết thúc việc này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ lý giải nguyên nhân còn 40,39% trụ sở dôi dư chưa xử lý -0
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn của ĐBQH Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) về giải pháp căn cơ đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính ở cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2019-2021, khi thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.056 đơn vị hành chính cấp xã để giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 651 đơn vị hành chính cấp xã thì có dôi dư 864 trụ sở. Đến thời điểm hiện nay mới giải quyết được 349 trụ sở, tương đương 40,39%. Có thể nói, tỷ lệ giải quyết tài sản dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn rất lớn.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân lớn nhất là việc xác định giá đất, giá tài sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là phương pháp định giá và thuê doanh nghiệp thẩm định giá để xác định giá trị tài sản. Hiện nay, Bộ Tài chính đã hoàn thiện việc sửa đổi Nghị định số 67, qua đó sẽ tháo gỡ được những vấn đề căn cốt nhất cho các địa phương trong việc thực hiện sắp xếp tài sản dôi dư. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ sở, điều kiện, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện tốt việc này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ lý giải nguyên nhân còn 40,39% trụ sở dôi dư chưa xử lý -0
ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH về chi phí giám định, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, trong số các nội dung về giám định mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trả lời UBTVQH trong lần chất vấn trước, nội dung về chi phí giám định ít tiến triển nhất. Các vụ việc tồn đọng trong giám định đã giảm. Trong việc ban hành thể chế, số lượng các bộ, ngành ban hành hướng dẫn, quy định liên quan đến công tác giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý của mình đã tăng lên.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, các vấn đề liên quan đến chi phí giám định thực hiện theo Quyết định số 01 ban hành năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, Bộ Tư pháp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá, dự kiến trình một văn bản mới. Trong quá trình triển khai, cần thực hiện Nghị quyết số 27 về cải cách tiền lương, trong đó có lương hóa tất cả các khoản chi và phụ cấp, kể cả các khoản chi đặc thù, nên tiến độ triển khai đã chậm lại. Ý kiến của các bộ, ngành trong Chính phủ tương đối thống nhất về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ lý giải nguyên nhân còn 40,39% trụ sở dôi dư chưa xử lý -0
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn.

Bên cạnh đó, pháp lệnh về chi phí tố tụng hiện nay có một số quy định chưa rõ về cách thức chi, xử lý các nguồn chi, hoạt động chi. Hiện nay, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Tòa án nhân dân tối cao đang trình Pháp lệnh về chi phí tố tụng, trong đó có xử lý một phần vấn đề giám định tư pháp. Chính phủ đã có đóng góp ý kiến, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao đẩy nhanh quá trình hoàn thiện văn bản này trình UBTVQH xem xét, thông qua. Cùng với việc xử lý các vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương, vấn đề này cũng sẽ được tháo gỡ và dần cải thiện.

Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) về tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản, hoặc vừa ban hành đã phải sửa đổi, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, các bộ, ngành có nhiệm vụ thường xuyên phải tự kiểm tra các văn bản do cơ quan mình ban hành. Bộ Tư pháp cũng thực hiện như các bộ, ngành khác, đồng thời giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các văn bản vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đề xuất giải pháp xử lý. Nội dung kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu tập trung vào thẩm quyền ban hành, tính hợp pháp, các vấn đề liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản.

Qua số liệu có được, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành chưa được thực hiện tốt. Nguyên nhân là do các cơ quan chưa chủ động trong thực hiện, công tác giám sát, kiểm tra còn hạn chế. Sắp tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hy vọng sẽ thiết kế một cách cụ thể hơn, chi tiết hóa các hành vi để rõ hơn nội dung về thực hiện chức năng, chức trách của Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan đến công tác ban hành văn bản, kiểm tra, sau đó mới dẫn chiếu sang pháp luật về cán bộ, công chức. Cần tính toán thêm để thiết kế các chế tài về hành chính tương đương để khi phát hiện có thể xử lý hiệu quả. Đồng thời, cần thực hiện tốt Quy định số 118 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật...

Quỳnh Vinh
.
.
.