Bố trí quỹ đất để xây dựng thêm nhiều trường, lớp mầm non, phổ thông
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông. Chỉ thị nêu rõ, giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Tuy nhiên, công tác đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên một số địa phương còn nhiều hạn chế như tình trạng trường lớp học quá tải vẫn còn khá phổ biến; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chậm được giải quyết.
Để tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) , các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn; bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho việc học của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tổ chức sơ kết, đánh giá báo cáo Chính phủ kết quả việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục tại các địa phương.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lí nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo theo đúng quy định; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi cho học sinh trước khi năm học mới bắt đầu.
Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ hàng năm bảo đảm về số lượng và chất lượng; đồng thời có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Rà soát, tính toán nhu cầu giáo viên các cấp học, nhất là với các môn học mới để có phương án bố trí nguồn lực và đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên hàng năm của địa phương.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT và các địa phương để xây dựng cơ chế, chính sách, phương án giải quyết, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các khó khăn trong giáo dục; ưu tiên các nguồn lực dành cho phát triển giáo dục và đào tạo, thực hiện đúng quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu".
Bố trí quỹ đất xây trường, lớp, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh, không để tình trạng gây bức xúc trong nhân dân; bảo đảm trẻ em mầm non, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Đồng thời, tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non, học sinh phổ thông; thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non, phổ thông ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất; rà soát, kiểm tra các dự án khu đô thị mới, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập để giảm áp lực cho trường mầm non, phổ thông công lập, đặc biệt tại các địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đông dân cư.
Bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu đầu năm học; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, quản lý, sử dụng sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục. Có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng xa, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới. Bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học các cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương.