Bổ sung thu hồi đất với dự án cải tạo chung cư cũ có thể "đổ thêm dầu vào lửa"
Tiếp tục thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 21/6, đóng góp ý kiến vào quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) đề nghị bổ sung thêm các trường hợp thu hồi đất đối với các dự án phát triển khu đô thị, cải tạo chung cư cũ, khu dân cư nông thôn, dự án chỉnh trang đô thị, dự án chỉnh trang khu dân cư nông thôn.
"Đây là mảng trọng yếu, Nhà nước phải làm nhưng rất cần xã hội hóa việc giải phóng mặt bằng, thường tư nhân không làm hoặc khó làm", ông nói. Đại biểu cũng đề nghị đưa các dự án công viên thể dục thể thao, trường học, bệnh viện vui chơi giải trí vào trường hợp thu hồi đất hoặc đối với các dự án phát triển thương mại, dịch vụ và trường hợp thu hồi đất nếu có quy mô lớn, có tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ, có đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương thì được thực hiện cho thu hồi đất và đấu thầu dự án đầu tư theo quy định. Chi tiết của việc này do HĐND cấp tỉnh quyết nghị.
Tranh luận với ý kiến trên, ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng, việc thu hồi đất để cải tạo chung cư cũ là không hợp lý. Dự thảo luật hiện tại đã có quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng. Ủy ban Pháp luật cũng đã nêu quan điểm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có giải trình, tuy nhiên đại biểu cho rằng giải trình của bộ không thỏa đáng.
"Việc bổ sung thu hồi đất để cải tạo chung cư cũ vào diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng có thể trở thành động thái "đổ thêm dầu vào lửa" trong nỗ lực cải tạo chung cư cũ, trái với các quy định của pháp luật hiện hành", ông nói và đề nghị cần nghiên cứu, xem xét kỹ nội dung này.
Liệt kê các trường hợp bị thu hồi đất tại Điều 79, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, việc xác định lợi ích công cộng trong thu hồi đất là một bài toán rất khó và khó xác định lợi ích công cộng trong thu hồi đất, nếu chỉ áp dụng phương pháp loại trừ hoặc phương pháp xác định cụ thể.
"Cần phải xác định lợi ích công cộng trong việc thu hồi đất là khi lợi ích công cộng phải vượt lên trên lợi ích cá nhân, không phải là lợi ích riêng của Nhà nước và cũng không phải là lợi ích riêng của công dân hay tổ chức khác, mà là lợi ích chung của toàn xã hội" - đại biểu nêu quan điểm và đề nghị khái niệm lợi ích công cộng cần kết hợp hai phương pháp xác định lợi ích công cộng, cần xác định ai là người sử dụng đất tiếp theo, nếu sau khi thu hồi việc sử dụng đất không có yếu tố Nhà nước, không phải vì mục đích công cộng...
Cũng liên quan thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, quy định tại điềm e, g khoản 3 Điều 79 dẫn chiếu sang Luật Đấu thầu là chưa rõ ràng. Đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu chọn nhà đầu tư chỉ là cách thức giao đất, cho thuê đất, không phải là tiêu chí xác định trường hợp thu hồi đất.
Hơn nữa, việc Nhà nước thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm cả dự án nhà ở thương mại rất khó để xác định có nằm trong trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng hay không. ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc các trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, nhất là khi có yếu tố thương mại chi phối hoặc đan xen.