Bổ sung nhiều biện pháp chống bạo lực gia đình

Thứ Sáu, 27/05/2022, 17:22

Dự thảo Luật tập trung các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình...

Chiều 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Tăng cường bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, hiện nay bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Và thực tế cho thấy, vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội.

Bổ sung nhiều biện pháp chống bạo lực gia đình -0
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Chỉ ra nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là thực sự cần thiết, nhằm hoàn thiện thể chế về công tác này theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Bổ sung nhiều biện pháp chống bạo lực gia đình -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 Chương, 62 Điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 Điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 Điều; bỏ 3 Điều, so với Luật hiện hành tăng 16 Điều. Nội dung dự thảo Luật tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020, gồm các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Băn khoăn tính khả thi của biện pháp hỗ trợ kiểm soát bạo lực gia đìn

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật khẳng định Ủy ban Xã hội tán thành sự cần thiết sửa đổi và phạm vi sửa đổi của dự án Luật; cho rằng, việc sửa đổi nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị số 06 - CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật hiện hành.

Bổ sung nhiều biện pháp chống bạo lực gia đình -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh trình bày báo cáo thẩm tra.

Về các điều kiện bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, Ủy ban Xã hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung nhiều quy định trong phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm, như về thông tin, truyền thông, giáo dục; tư vấn, hòa giải; các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình; quy định về báo tin, tố giác và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình… Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của một số biện pháp như, biện pháp tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình (các điều 17, 18 và 19); việc bổ sung biện pháp giáo dục chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình và biện pháp hỗ trợ kiểm soát hành vi bạo lực gia đình (Điều 25 và Điều 26)…

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, dự án Luật tiếp tục quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước và điều phối liên ngành trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình và quy định trách nhiệm của một số bộ, ngành như Bộ Y tế; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp, cơ quan Công an, Viện kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân các cấp, UBND các cấp…

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác phòng, chống bạo lực gia đình vẫn tập trung trách nhiệm cho ngành chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này, mà thiếu cơ chế phối hợp rõ ràng và tham gia tích cực của cơ quan, tổ chức khác trong khi đặc thù của công tác này đòi hỏi sự phối hợp, trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Do vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình để có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động của các lĩnh vực bình đẳng giới, gia đình, trẻ em và bảo trợ xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.       

Phương Thuỷ
.
.
.