Bộ Quốc phòng đề nghị thu hồi đất quốc phòng không cần Thủ tướng Chính phủ quyết định
Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 6 chương với 34 điều, trong đó, bổ sung mới 1 điều, tách 1 điều thành 2 điều, bỏ 2 điều và chỉnh sửa nội dung và kỹ thuật lập pháp ở 32 điều.
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiều 28/8, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung
Báo cáo tại hội nghị về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP & AN) cho biết, tại Phiên họp thứ 25 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 6 chương với 34 điều, trong đó bổ sung mới 1 điều, tách 1 điều thành 2 điều, bỏ 2 điều và chỉnh sửa nội dung và kỹ thuật lập pháp ở 32 điều.
Về một số ý kiến đề nghị rà soát, phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự cho phù hợp, cụ thể, khoa học, khả thi, gắn với chế độ pháp lý của từng nhóm, loại; có ý kiến đề nghị tách thành 2 điều, phân loại và phân nhóm cho cụ thể, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban QP & AN đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng cách phân loại, phân nhóm để quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Về công trình lưỡng dụng, Thường trực Ủy ban QP & AN nhận thấy, đối chiếu với Điều 15 Luật Quốc phòng thì công trình lưỡng dụng quy định tại dự thảo Luật là công trình kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng. Nghị định 164/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể đối với dự án đầu tư, xây dựng có tính lưỡng dụng; quy định cụ thể Kế hoạch về khả năng kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng và tình trạng chiến tranh, trong đó đã quy định việc “Xác định chính sách và nguồn lực nhằm… thực hiện có hiệu quả kế hoạch”.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để thống nhất với Luật Quốc phòng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã quy định tại khoản 17, Điều 2 và khoản 5, Điều 3 để xây dựng Điều 7 (Công trình lưỡng dụng) như dự thảo Luật.
Làm rõ mức độ của từng loại hình bảo vệ nghiêm ngặt
Thảo luận tại hội nghị, đa số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho rằng, dự thảo Luật đã cơ bản tiếp thu đầy đủ, toàn diện các vấn đề được đại biểu Quốc hội góp ý, bảo đảm đúng với quy định của Hiến pháp và thể chế hóa đầy đủ, chặt chẽ các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực này. Tán thành với việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị, tiếp tục làm rõ các quy định bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt, bảo vệ rất nghiêm ngặt, bảo vệ nghiêm ngặt và quá trình triển khai thực hiện như thế nào, mức độ của từng loại hình bảo vệ sẽ được tiến hành bảo vệ như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị rà soát các luật có liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột và đề xuất các phương án để xử lý một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định chuyển tiếp để bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự để tránh khoảng trống về mặt pháp lý khi triển khai thực hiện luật.
Phát biểu tiếp thu giải trình, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết công trình quốc phòng có thể nằm ngoài khu quân sự, thực tế không phải mọi công trình quốc phòng đều nằm trong khu quân sự.
Về công trình lưỡng dụng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, thực tế, có những công trình mặc dù được các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị coi là công trình lưỡng dụng, nhưng qua công tác thẩm định của Bộ Quốc phòng thì không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Vì thế, có công trình ở vị trí rất tốt nhưng không thể đưa vào danh sách công trình lưỡng dụng.
Về quy định thu hồi đất quốc phòng, đất khu quân sự, Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, việc thực hiện quy định hiện nay liên quan tới vấn đề này đang rất vướng vì khi thu hồi đất quốc phòng chưa nằm trong quy hoạch, hoặc trên đất có công trình quốc phòng - thậm chí chỉ là một căn nhà cấp 4, thì vẫn phải lên tới Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bởi vậy, nếu quy định theo hướng thu hồi đất chưa nằm trong quy hoạch, hay trên đất đó công trình quốc phòng nhưng có ý kiến của địa phương, có ý kiến của Bộ Quốc phòng thì sẽ thuận tiện hơn cho các địa phương. Vấn đề này cần được quy định cả trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét và trong dự thảo luật này thì mới có thể triển khai thi hành.