Bộ GTVT nói gì khi nâng trần vé máy bay nội địa?
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo đó, Thông tư sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác. Các nhóm đường bay còn lại có mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.
Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều; Đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều; Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều.
Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).
Bộ GTVT cho rằng, việc tăng giá vé máy bay nội địa là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng và tỉ giá đều tăng cao. Theo số liệu cập nhật của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á hồi tháng 6/2023 là 85,4 USD/thùng.
Trước khi chính thức ban hành Thông tư số 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 trong đó quy định chính thức về mức trần giá vé may bay nội địa mới, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không lấy ý kiến.