Bộ Công thương thông tin nhiều vấn đề về điện hạt nhân

Thứ Tư, 23/10/2024, 17:01

Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều ngày 23/10, Bộ Công Thương thông tin, một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là việc Chính phủ sẽ độc quyền xây dựng dự án điện hạt nhân. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì cuộc họp báo.

Tại cuộc họp báo thông tin về Sửa đổi Luật Điện lực, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Trần Việt Hòa cho biết, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết, cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng; đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, đạt mục tiêu tăng gấp đôi công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030 và thay đổi căn bản cơ cấu các nguồn điện để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Hiện nay, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra để hoàn thiện Dự thảo Luật, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

08e75315ee4c56120f5d-1729678293547.jpg

Về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), ông Trần Việt Hòa cho biết, có 6 chính sách lớn được đưa ra. Đó là quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực. Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường. Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện. An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là việc Chính phủ sẽ độc quyền xây dựng dự án điện hạt nhân. Báo chí đặt câu hỏi việc phát triển lại nguồn điện hạt nhân hiện nay có muộn hay không, trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay chủ trương phát triển điện hạt nhân đã có nhưng sau đó tạm dừng. Do đó, theo chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện quy hoạch điện, Bộ đang nghiên cứu lại thực tiễn để đánh giá việc có nên triển khai hay không. Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế cho thấy với sự phát triển của năng lượng tái tạo, thì vai trò của điện nền, trong đó có điện hạt nhân, là rất quan trọng.

Theo ông Tân, dựa trên sức ép liên quan đến năng lượng tái tạo, do đó điện nền rất quan trọng, một số nước phát triển cũng đã sử dụng điện hạt nhân gấp 2-3 lần. Như Nhật Bản, quốc gia này ước tính tỷ trọng điện hạt nhân chiếm 20-25% mặc dù từng xảy ra sự cố.

Về lựa chọn công nghệ phát triển điện hạt nhân, ông Tân cho rằng, chắc chắn sẽ lựa chọn công nghệ tiên tiến, thế hệ mới đã được áp dụng thực tiễn. Mục tiêu là nhằm đảm bảo tối đa an toàn, đưa rủi ro về bằng 0. Hiện bộ cũng đang nghiên cứu và thấy có một vài phương án.

Việc phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới, ông Tân cho biết, hiện nay, căn cứ Quy hoạch điện VIII và chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề này, xem xét báo cáo các cấp có thẩm quyền, sau đó báo cáo trình Chính phủ có chủ trương từ đó sẽ tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch điện khi đó mới có cơ sở tiếp tục triển khai. Hiện nay Bộ Công Thương đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế.

Liên quan đến vấn đề khởi động lại dự án điện hạt nhân, ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thông tin thêm, việc phát triển điện hạt nhân phải đảm bảo yếu tố kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật cũng như đảm bảo được nguồn tài chính. "Từ năm 2009, Việt Nam đã nghiên cứu triển khai dự án ở Ninh Thuận theo Nghị quyết của Quốc hội nhưng do nhiều yếu tố đặc biệt là vấn đề nhân lực, tài chính có nhiều khó khăn, do đó Quốc hội đã quyết định tạm dừng nghiên cứu triển khai", ông Hùng nói.

Tuy nhiên, ông Hùng cho hay, hiện nay tình hình của đất nước và thế giới có chuyển biến tích cực, đặc biệt là nguồn lực nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân trên thế giới. Bộ Công Thương đã báo cáo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về vấn đề này. "Bộ Công Thương đánh giá việc phát triển điện hạt nhân thời gian tới là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên việc phát triển như thế nào sẽ được nghiên cứu kỹ và đánh giá toàn diện để đề xuất trong Quy hoạch điện VIII để rà soát điều chỉnh…", ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ Công Thương thông tin, sản xuất công nghiệp, tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,76%.

Cùng với đó, xuất nhập khẩu 9 tháng khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực nhờ đơn hàng gia tăng. Bộ Công Thương cho rằng, những tháng cuối năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ tiếp tục có cả những thuận lợi và thách thức. Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, ngành Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

Lưu Hiệp
.
.
.