Bộ Công an tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm

Thứ Ba, 21/11/2023, 15:08

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Chính phủ và Bộ Công an rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ, giám sát của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đối với những vấn đề liên quan để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong thời gian tới.

Chiều 21/11, sau khi các đại biểu thảo luận về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, đây là những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm và là sự chia sẻ, động viên để Chính phủ nói chung, Bộ Công an nói riêng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri cả nước.

Tình hình ANTT, tội phạm và vi phạm pháp luật cơ bản được kiểm soát tốt

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, tác động sâu sắc đến tình hình trong nước, cùng với những khó khăn tích tụ trong đại dịch COVID-19 làm cho các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật nhiều hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, lực lượng CAND đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai quyết liệt các kế hoạch, giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm đạt được những kết quả tích cực. Nhìn tổng thể chung, tình hình ANTT, tội phạm và vi phạm pháp luật ở nước ta cơ bản được kiểm soát tốt, môi trường xã hội được duy trì an ninh, an toàn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn để Việt Nam vẫn là điểm đến an ninh, an toàn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động rất phức tạp như hiện nay.

“Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề cần được khẳng định rõ để cử tri và nhân dân cả nước yên tâm, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

tô lâm.jpeg -0
Bộ trưởng Tô Lâm tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng, trên từng lĩnh vực còn có những vấn đề nổi lên cần quan tâm giải quyết. Trong phát biểu thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác.

“Trong phiên thảo luận, có gần 20 đại biểu phát biểu, nêu ý kiến đề nghị nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong đó có các ý kiến đề nghị đánh giá nguyên nhân phát sinh tội phạm; đánh giá gia tăng tội phạm trên mạng như lừa đảo, đánh bạc; đề nghị nâng cao tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm; phân hoá đối tượng trong đấu tranh; đề nghị phong toả khẩn cấp đối với các tài khoản trên mạng; có cơ chế bảo vệ tài sản, vật chứng vụ án; giảm TNGT bền vững, đặc biệt là đối với nhóm học sinh, sinh viên; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tư pháp; tăng cường vai trò của Công an xã; tăng cường tiềm lực của cơ quan phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó có cơ quan điều tra…" - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết. 

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật

Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ, Chính phủ và Bộ Công an thấy rằng, với khối lượng công việc các cơ quan chức năng phải giải quyết trong năm 2023 là rất lớn (gần 170 nghìn tin báo, tố giác tội phạm; trên 134 nghìn vụ án với gần 210 nghìn bị can; trên 6 triệu vụ xử lý vi phạm hành chính...) trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thì việc còn những tồn tại, hạn chế là khó tránh khỏi.

db.jpg -0
đọc.jpg -1
Các đại biểu tại phiên họp.

Trong đó, có 3 nhóm nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế.  Nhóm nguyên nhân thứ nhất là thuộc về chủ quan của các cơ quan chức năng, như vấn đề triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; các vi phạm trong công tác điều tra, xử lý tội phạm; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm; tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, cá biệt là những trường hợp sai phạm, tiêu cực, vi phạm pháp luật của một số ít CBCS.... Nhóm nguyên nhân thứ hai là những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế, chính sách. Nhóm nguyên nhân thứ ba là những khó khăn về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Trong đó, nhìn tổng thể chung, yêu cầu, nhiệm vụ tăng lên, nhưng biên chế không tăng, kinh phí, phương tiện còn nhiều khó khăn.

“Những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên, có những vấn đề có thể khắc phục được ngay, có những vấn đề cần phải có thời gian lâu dài. Chính phủ và Bộ Công an xin tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, trật tự, kỷ cương, nhân dân có cuộc sống bình yên, hạnh phúc” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, nhiệm vụ công tác bảo đảm ANTT trong thời gian tới là rất nặng nề, khó khăn và cấp bách. Lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật là lĩnh vực có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vừa là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài, vừa là vấn đề cấp bách trước mắt.

“Chính phủ và Bộ Công an rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ, giám sát của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đối với những vấn đề liên quan để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong thời gian tới” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Phương Thuỷ
.
.
.