Bộ Công an lý giải một số đề xuất tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ
Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 6, dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Nhiều đề xuất tại dự thảo Luật nhận được sự quan tâm của dư luận đã được đại diện các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an lý giải tại tọa đàm trao đổi thông tin về các dự án luật do Bộ Công an soạn thảo diễn ra ngày 26/9 vừa qua.
Khuyến khích người dân lắp camera giám sát hành trình
Một trong những nội dung được người dân quan tâm là quy định liên quan đến việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Theo đó, tại Điều 33 của dự thảo Luật quy định, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định. Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho hay, với xe kinh doanh vận tải, pháp luật hiện hành đã quy định bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình, dữ liệu được truyền về Cục Đường bộ thuộc Bộ GTVT để phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Còn với ôtô cá nhân, Bộ Công an chỉ khuyến khích người dân tự lắp camera giám sát hành trình để tự bảo vệ mình trong các tình huống mất an toàn giao thông, không bắt buộc. Trên thực tế đã có rất nhiều phương tiện cá nhân tự trang bị camera giám sát hành trình, nhằm mục đích ghi lại hình ảnh, sự cố xảy ra trên đường.
Với việc này, người điều khiển phương tiện có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ xảy ra trên đường, có thể lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại xe của mình hoặc của người khác… Những bằng chứng từ camera giám sát hành trình cũng có thể cung cấp cho các cơ quan chức năng để xử lý, góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của lái xe và người khác. Về dữ liệu thu thập được từ thiết bị giám sát hành trình, cơ quan chức năng sẽ không thu thập mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác…
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết thêm, các đề xuất được đưa ra mới chỉ là bản dự thảo. Cơ quan soạn thảo sẽ ghi nhận sự đóng góp của người dân, các cơ quan, tổ chức để chỉnh lý và đưa ra điều khoản hợp lý, khoa học, đảm bảo tính nhân văn.
Phân hạng GPLX phù hợp với Công ước Vienna
Điều 50 dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định, Chính phủ quy định chi tiết về hạng giấy phép lái xe. Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, trong quá trình nghiên cứu về quy định giấy phép lái xe, Cục CSGT đã tiếp thu theo quy định Công ước Vienna. Việt Nam hiện đang sử dụng phân hạng giấy phép lái xe chưa đồng bộ với Công ước Vienna. Dự thảo luật quy định thay đổi phân hạng giấy phép lái xe để phù hợp với Công ước Vienna. Việc thay đổi này đảm bảo phù hợp khi Việt Nam là thành viên của các hiệp ước, công ước, chấp nhận những giấy phép lái xe quốc tế. Bên cạnh đó, theo Điều 81 quy định chuyển tiếp tại dự thảo Luật, giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được chuyển sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, giấy phép lái xe trước ngày 1/7/2012 là dạng giấy bìa, còn sau thời điểm trên là dạng PET. Giấy phép lái xe đổi sang dạng PET được cập nhật trong hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam. Hệ thống này sẽ là dữ liệu để tích hợp vào định danh điện tử, VNeID… Như vậy, ước tính sẽ có khoảng 22 triệu giấy phép lái xe được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới.
Vì sao chưa thể sử dụng VNeID thay cho giấy tờ khi tham gia giao thông?
Theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo 4 loại giấy tờ: Đăng ký xe, giấy phép lái xe, chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Trong các loại giấy tờ trên, trường hợp thông tin của giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì người lái xe không phải mang theo. Đối với CSGT, dự thảo quy định trường hợp giấy tờ nào đã được tích hợp thì việc kiểm tra, kiểm soát phải thực hiện thông qua xác thực các thông tin, giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử.
Cũng liên quan đến tích hợp dữ liệu giấy tờ xe, Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an (có hiệu lực từ 15/9) quy định khi người lái xe cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử thì lực lượng CSGT kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử.
Quá trình kiểm soát, nếu phát hiện tài khoản định danh điện tử có dấu hiệu làm giả hoặc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ, tước quyền sử dụng, thu hồi, tịch thu giấy tờ hoặc các trường hợp vi phạm cần phải xác minh về giấy tờ thì CSGT đề nghị xuất trình các giấy tờ đó để thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật. Sau nhiều nỗ lực của ngành Công an và người dân, hàng triệu giấy phép lái xe đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử VNeID. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, lực lượng CSGT vẫn chưa áp dụng việc xác thực thông tin trên ứng dụng thay cho việc kiểm tra giấy tờ xe trực tiếp.
Giải đáp vấn đề này, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, cho biết bất kỳ sự chuyển đổi nào cũng cần có thời gian chuẩn bị như cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu, trang bị kiến thức cho cơ quan quản lý, thay đổi thói quen của người dân… Khi nào người dân tích hợp đầy đủ giấy tờ, cơ quan quản lý nhà nước trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng và được đào tạo, tập huấn toàn diện thì lúc đó ứng dụng định danh điện tử VNeID mới có thể thay thế cho các loại giấy tờ truyền thống.