Biểu dương 48 tuyên truyền viên tiêu biểu trong phòng chống ma túy và tội phạm
Chiều 23/12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt, biểu dương tuyên truyền viên tiêu biểu trong công tác phòng, chống ma túy và tội phạm trên địa bàn thành phố năm 2022.
Trong năm 2022, hệ thống Mặt trận thành phố đã đã tuyên truyền trên 13.598 lượt bài viết, chia sẻ 8.965 bài viết trên các trang mạng xã hội do các đơn vị quản lý; phối hợp tổ chức 389 cuộc sinh hoạt quần chúng với 25.643 lượt người tham dự, phối hợp với các đơn vị có liên quan biên soạn và phát hành 7.485 tài liệu tuyên truyền dưới các hình thức như thông báo, sổ tay…
Đồng thời, tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi giữa các ban ngành đoàn thể với người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng động, nhóm có nguy cơ phạm pháp hình sự để lắng nghe, nắm bắt nguyện vòng và có hướng giúp đỡ phù hợp (tại các Quận 1, 5, 8, 10, TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn...).
Thực tế triển khai đã có nhiều mô hình, giải pháp hiệu quả như: Mô hình “Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” đã giúp đỡ cho hơn 2.789 đối tượng tiến bộ, có việc làm ổn định, không vi phạm pháp luật; Mô hình “Camera an ninh vì bình yên cuộc sống”đã vận động gắn hơn 1.245 mắt camera tại địa bàn khu dân cư, các tụ điểm phức tạp.
Mặt trận đã phát huy vai trò người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong việc tuyên truyền, vận động người dân về công tác phòng, chống tội phạm; chú trọng đến việc phát hiện và tuyên truyền các gương “Người tốt, việc tốt”, “Gương sáng phố phường” trong công tác phòng, chống tội phạm được hệ thống Mặt trận Tổ quốc luôn quan tâm, chú trọng. Có nhiều cách làm hay như: thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các vị chức sắc các tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức người dân trong việc phòng ngừa, tố giác tội phạm, nhất là tệ nạn “tín dụng đen” trong cộng động dân cư.
Đồng thời, phối hợp vận động và phát huy vai trò của các chức sắc, nhà tu hành, chức việc trong các tổ chức tôn giáo và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật tại cộng đồng; các Mô hình “Nhà trọ tự quản”, “Khu nhà trọ công nhân tự quản”, “Nhà trọ không có tội phạm ẩn náu, hoạt động”, “cà phê xóm trọ”... được đầu tư, nhân rộng và nâng chất tại các đơn vị.