Bão Noru vào đất liền, nhiều nơi mưa rất to
Sáng 28/8, tâm bão đổ vào bộ Đà Nẵng và Quảng Nam, gió giật cấp 13 đã gây mưa lớn, gió rít liên tục kèm những va đập của mái tôn bay. Nhiều nơi bị mất điện, cắt điện để đảm bảo an toàn cho người dân. Mạng điện thoại di động kết nối kém, chập chờn vì ảnh hưởng.
4h sáng 28/9, bão đổ bộ Đà Nẵng và Quảng Nam, gió giật cấp 13
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, bão tiếp tục giảm cấp, đến 4h còn 117 km/h, cấp 10-11, giật cấp 13. Hiện một nửa bão đã đi vào Đà Nẵng - Quảng Nam, nửa còn lại ở trên biển. Sau khi nửa trên biển đi vào đất liền thì gió mạnh, gió giật sẽ quay trở lại.
Vị trí tâm bão lúc 4h ngày 28/9, nằm giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Cường độ cấp 10-11 (103-117km/giờ), giật cấp 13.
Ảnh hưởng của bão số 4: tại đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn và TP Tam Kỳ có gió mạnh nhất với mức cấp 9-10, giật cấp 13-14; đảo Cồn Cỏ gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Đông Hà có gió giật cấp 6; Đồng Hới có gió giật cấp 7; Nam Đông có gió giật cấp 9; Đà Nẵng có gió giật cấp 8;...
Tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, bão số 4 đã gây mưa lớn, gió rít liên tục kèm những va đập của mái tôn bay. Toàn bộ khu vực thành phố đã bị mất điện, cắt điện để đảm bảo an toàn cho người dân. Mạng điện thoại di động kết nối kém, chập chờn vì ảnh hưởng.
Đà Nẵng: Mưa to kèm gió lớn khiến nước liên tục tràn vào các hành lang hai tòa nhà B1A và B1 Chung cư Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu). Các cư dân ở đây trắng đêm thay nhau tát nước ra ngoài.
1h sáng 28/9, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định: Chưa có báo cáo thiệt hại
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh báo cáo, hiện tỉnh có mưa vừa, gió khoảng cấp 5. Về thiệt hại đến nay, mới có một số cây xanh (huyện Lý Sơn) ngã đổ. Tình hình chưa có gì phức tạp.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, trên địa bàn tỉnh có nơi mưa to, gió lớn. Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại, sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn hiện có mưa nhỏ, gió khoảng cấp 5. Chưa có báo cáo thiệt hại.
Đà Nẵng: Còn 60 người ở âu thuyền Thọ Quang chưa lên bờ
Sau khi kiểm tra, làm việc tại Quảng Trị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đến Thừa Thiên Huế để điều hành công tác phòng chống bão Noru. 0h ngày 28/9, Phó Thủ tướng triệu tập cuộc họp trực tuyến đến các điểm cầu để các tỉnh báo cáo diễn biến thực tế.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, có nơi mưa to, gió lớn, một số cây gãy đổ. Qua rà soát, tại âu thuyền Thọ Quang hiện còn khoảng 60 người vẫn đang ở dưới thuyền nổ máy. Do gió lớn, lực lượng Biên phòng chưa tiếp cận được. Thành phố Đà Nẵng đang chuẩn bị phương án cứu hộ khi cần.
Phó Thủ tướng lưu ý, cần hết sức quan tâm bằng các công tác phù hợp để đưa 60 người vẫn đang ở dưới thuyền tại khu vực âu thuyền Thọ Quang lên bờ.
Công an Đà Nẵng trắng đêm dầm mưa giúp dân vượt bão
23h đêm 27/9, mặc cho mưa xối xả, gió giật, 100% quân số của Công an TP Đà Nẵng vẫn “vững vàng” ứng trực, nhiều cán bộ, chiến sĩ sẽ trắng đêm giúp dân vượt bão, hỗ trợ những ngư dân cuối cùng tại âu thuyền Thọ Quang lên bờ trú bão an toàn...
22h37 phút, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên lần thứ 3 trong ngày có mặt tại Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4, chỉ đạo công tác đảm bảo ANTT, an toàn cho ngư dân và tàu cá khi bão đổ bộ vào đất liền.
Để đảm bảo an toàn về tính mạng nhân dân, đồng chí Giám đốc Công an thành phố yêu cầu lực lượng chức năng khẩn trương tuyên truyền, vận động ngư dân còn ở trên các tàu nhanh chóng di chuyển lên các điểm tránh trú trên bờ, không để bất cứ trường hợp nào ở trên tàu, nếu không chấp hành sẽ cưỡng chế.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, Phòng CSGT Công an thành phố đã thành lập 10 Tổ ứng phó, khẩn cấp thường trực xử lý các tình huống khi có yêu cầu trước, trong và sau bão số 4.
Còn tại quận Hải Châu, mặc dù tâm bão đổ bộ, nhưng gió giật khiến hàng loạt cây ngã đổ chắn ngang đường Hùng Vương (gần nhà hát Trưng Vương), ngay lập tức Tổ tuần tra CSGT tức phối hợp cùng với người dân cưa cây, giải tỏa không để cây ngã gây cản trở giao thông cho người dân.
Đêm muộn, địa bàn trung tâm TP Đà Nẵng đã bắt đầu những trận gió rít liên hồi, mưa to dần. Trong cảnh “màn trời, chiếu nước”, nhưng vẫn có rất nhiều hình ảnh đẹp, đầy xúc cảm của những người chiến sỹ Công an TP Đà Nẵng đã được người dân, cộng đồng mạng chia sẻ và dành rất nhiều tình cảm.
"Dù có trắng đêm vượt bão, các anh Công an vẫn sẵn sàng vì nhân dân phục vụ", một chủ tài khoản Facebook viết trên dòng trạng thái.
Quảng Ngãi mưa to gió lớn
Khoảng 22h, tại cửa biển Sa Cần (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bắt đầu có gió lớn và mưa to. Mưa lớn kéo dài từ chiều và chưa có dấu hiệu giảm.
Tại huyện Lý Sơn, nơi chịu ảnh hưởng sớm nhất của bão lúc này gió cấp 9, giật cấp 11, biển động dữ dội. Hiện Ban Chỉ huy tiền phương hỗ trợ phòng chống bão số 4 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đóng tại huyện Bình Sơn cùng các lực lượng túc trực sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp.
Các khu vực hạ du lưu vực sông lớn như Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu nhiều khả năng sẽ có lũ về. Chính quyền địa phương đang sẵn sàng lực lượng để bảo vệ tài sản của người dân trong trường hợp có vùng bị nước cô lập.
Đường phố tại tỉnh Quảng Ngãi lúc này rất vắng người và phương tiện lưu thông. Người dân tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo của chính quyền địa phương ở nhà không ra đường từ 20h tối nay.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, lượng mưa trong ngày ở Quảng Ngãi dao động mức 100mm, riêng huyện đảo Lý Sơn và khu vực phía bắc tỉnh Quảng Ngãi là 200mm. Trong 24h tới, mưa sẽ lớn hơn. Đề phòng ngập lụt ở vùng hạ du và sạt lở núi.
Dừng lưu thông qua miền Trung và Tây Nguyên
Theo Cục CSGT, Phó Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo, yêu cầu các phương tiện giao thông ở hai đầu các tuyến đường Bắc - Nam tạm dừng hoạt động khi bão vào đất liền để đảm bảo an toàn.
Tối 27/9 tại Quảng Trị, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp trực tiếp về công tác bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống cơn bão số 4 (Noru).
Tại cuộc họp Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo Bộ Công an lưu ý việc yêu cầu phương tiện giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ tại hai đầu Bắc - Nam tạm dừng hoạt động khi bão vào đất liền để đảm bảo an toàn, trừ phương tiện làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe cứu thương, xe phòng chống lụt bão, xe công vụ…
Dự kiến sẽ triển khai cấm các tuyến đường như: QL1A, QL14, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Đà Nẵng, Quảng Ngãi… từ 22h đêm nay theo dọc tuyến từ Quảng Bình đến Khánh Hoà và từ các tỉnh Tây Nguyên xuống các tỉnh miền Trung.
Hiện tại lực lượng CSGT thuộc Cục CSGT và CSGT các đơn vị địa phương đã chuẩn bị phương tiện, thiết bị nghiệp vụ để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai.
Không để người dân tiếc tài sản mà nguy hiểm tới tính mạng
Tối (27/9), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì họp Ban Chỉ đạo tiền phương tại điểm cầu UBND tỉnh Quảng Trị, kết nối trực tuyến với điểm cầu 8 tỉnh, thành phố nằm trong vùng ảnh hưởng của bão để chỉ đạo, rà soát công tác ứng phó với bão số 4.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo các lực lượng xuống ngay cơ sở, những nơi còn người ở trên các thuyền bè, chấp hành nghiêm việc di dời người dân đến nơi an toàn, có các biện pháp cưỡng chế. Tinh thần từ tối nay đến sáng mai, lãnh đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh phải trực 100% để nắm bắt tình hình khi bão số 4 đổ độ, sẵn sàng kết nối trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão để nghe chỉ đạo trực tiếp về công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, ứng phó với bão số 4 trên tinh thần khẩn trương và khẩn trương hơn nữa, tất cả vì tính mạng, tài sản của nhân dân, đặt tính mạng người dân trên hết, không để người dân vì cứu tài sản mà ảnh hưởng đến tính mạng. Các địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ người dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, các khu vực tàu thuyền đang đậu khi bão vào, lồng bè nuôi trồng thủy sản, người dân hay trụ lại các khu vực này.
Phó Thủ tướng lưu ý, hệ thống điện và tại các bệnh viện phải có người ứng trực, thông tin thường xuyên để có các giải pháp kịp thời. Các địa phương, cơ sở nên sử dụng hệ thống loa phường để tuyên truyền và thông tin đến người dân tình hình bão.
Trước khi bão vào thì lực lượng Công an tổ chức chặn xe tại 2 điểm đầu và cuối khu vực bão đổ bộ, không cho người và phương tiện vào khu vực nguy hiểm. Sau khi hết mưa bão lớn, các lực lượng nhanh chóng về cơ sở để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Công tác phối hợp cứu hộ cứu nạn phải có trọng tâm, trọng điểm, có đủ các lực lượng được huy động.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: “Đây là cơn bão rất mạnh, cường độ cấp 13, cấp 14 và diễn biến phức tạp giật cấp 17, cùng với diễn biến mưa lớn, thủy triều dâng cùng thời điểm, nguy cơ tăng lên gấp nhiều lần. Toàn hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương tập trung thật cao, huy động tối đa lực lượng tất cả vì tính mạng tài sản của người dân, đặt tính mạng người dân lên trên hết, không vì tài sản mà ảnh hưởng tới tính mạng người dân".
Quảng Nam cấm xe qua địa phương
Tối 27/9, trên quốc lộ 1A nằm phía bắc tỉnh Quảng Nam, Trạm CSGT Thăng Bình tổ chức chốt chặn tại Trạm thu phí Điện Bàn yêu cầu các phương tiện, lái xe, phụ xe vào nơi tránh trú. Tương tự, tại khu vực phía nam tỉnh, Đội CSGT số 1 ứng trực tại quốc lộ 1, huyện Núi Thành hướng dẫn xe tránh bão an toàn. Ngoài ra cảnh sát CSGT đang tuần tra trên đường để kịp giải quyết các tình huống phát sinh.
Trước đó, Chủ tịch Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ đạo từ 18h ngày 27/9 cấm tất cả xe tham gia giao thông (trừ các phương tiện tham gia công tác phòng, chống thiên tai) hoạt động, chạy trên các tuyến đường cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam.
Đối với các xe địa phương khác qua địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian nêu trên, yêu cầu Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ, hướng dẫn cho các xe tìm nơi tránh, trú bão an toàn. Việc này để tăng cường công tác chủ động ứng phó và khắc phục thiệt hại do Noru gây ra và mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Tại điểm cầu Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chủ trì cuộc họp trực tuyến.
Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương rà soát lại lần cuối từng điểm dân cư, từng tàu thuyền, không để ai ở lại vùng nguy hiểm. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đánh giá các địa phương đã chủ động ứng phó với bão số 4. Cơn bão này đổ bộ lúc thủy triều dâng cao nên rủi ro rất cao.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương kích hoạt mọi lực lượng tham gia trực sẵn sàng ứng phó. Đối với người dân vùng xung yếu, còn trên tàu thuyền, địa phương cần chuyển từ trạng thái vận động người dân sang cưỡng chế.
Người dân được mời ăn nghỉ, trú tránh bão trong trạm CSGT
Lực lượng CSGT tại miền Trung huy động 100% quân số ứng phó với bão và hỗ trợ người dân.
Theo Cục CSGT, trong chiều nay tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có mưa rất to, sóng lớn cấp 8, cấp 9. Trên đất liền mưa ngày một to, Phòng CSGT tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí lực lượng trực chốt tại nhiều điểm nóng nơi nước ngập sâu để ngăn các phương tiện qua lại. Đồng thời, bố trí nhiều tổ tuần lưu để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Chiều tối 27/9, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng thông tin, để đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình bão số 4 đổ bộ vào đất liền, từ 20h cùng ngày, thành phố sẽ triển khai cấm lưu thông một số cầu, hầm, đoạn tuyến đường trên địa bàn thành phố.
Chiều cùng ngày, Công ty Cổ phần Cầu đường Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa hoàn thành việc đóng cầu Thuận Phước để bảo đảm ATGT cho người dân trong quá trình bão số 4 đổ bộ vào đất liền.
Tối 27/9, theo ghi nhận của PV Báo CAND, đơn vị chức năng Đà Nẵng cũng sẽ tiến hành đóng hàng loạt cầu, như: Sông Hàn, Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Phò Nam và cầu vượt Ngã ba Huế, áp dụng theo các cấp độ gió.
Cụ thể, theo Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng Nguyễn Trung Nghĩa, khi gió đạt cấp 6 sẽ chốt hai đầu cầu, cảnh báo người dân nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Khi gió đạt cấp 7, cấm tất cả các loại phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Thuận Phước và xem xét tình hình lưu thông qua các cầu khác để cấm xe mô tô, xe máy.
Khi gió đạt cấp 10, tiến hành phong tỏa, cấm tất cả các loại phương tiện qua các cầu. Đối với các hầm chui tại nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nút phía tây cầu Sông Hàn, khi có sự cố ngập nước, cấm các phương tiện lưu thông để bảo đảm an toàn.
Vẫn theo lãnh đạo Sở GTVT TP Đà Nẵng, thành phố có 3 nút giao thông có có hệ thống hầm chui, đó là nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý và nút phía Tây cầu Sông Hàn. Ứng phó với bão số 4 và mưa lớn trong bão, Ban quản lý các công trình này tổ chức nạo vét hệ thống thu nước, hố ga, lưới chắn rác, chuẩn bị thêm máy bơm, máy phát điện dự phòng để bảo đảm hệ thống bơm hoạt động liên tục.
Đã di dời gần 400.000 người dân đến nơi an toàn, tránh siêu bão
Từ chiều 27/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai đã có mặt tại tỉnh Quảng Trị để chỉ đạo công tác ứng phó siêu bão số 4. Báo cáo với Phó Thủ tướng, lãnh đạo các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định cho biết, đến thời điểm 22h đêm 27/9, có gần 120.000 hộ dân với hơn 400.000 nhân khẩu, đạt 100% theo kế hoạch, đã được di dời đến các điểm trú, tránh bão an toàn...
Tại TP Hội An, trời mưa rất to. Mưa to cấp tập trong cuối giờ chiều đến tối nay làm một số tuyến phố ở thành phố Hội An bị ngập nặng.
Tối nay, hàng trăm cán bộ chiến sỹ các lực lượng xung kích, dân quân tự vệ ở tỉnh Bình Định tiếp tục hỗ trợ những hộ dân khó khăn đến khu vực trú bão.
Tại các điểm tránh trú bão, bà con Hoài Nhơn được hỗ trợ lương thực, nước uống, sữa tươi và chăn màn đủ ấm áp cho một đêm dài tránh bão.
Điểm cầu tại Ban Chỉ huy tiền phương vẫn túc trực cả đêm, phân công cán bộ trực xử lý các tình huống phát sinh trong đêm nay.
Nhiều phòng học, giảng đường tại Huế trở thành nơi trú, tránh bão
Lực lượng Công an địa phương đang nỗ lực, khẩn trương hơn trong việc kêu gọi, giúp đỡ người dân vùng nguy hiểm, nhà tạm, dột nát di tản đến nơi trú ẩn an toàn. Tại các điểm xung yếu, cán bộ chiến sĩ Công an, quân đội đã đội mưa đến từng nhà vận động, cõng người tàn tật, người già neo đơn, đưa người bệnh đến được những ngôi nhà cao tầng kiên cố để phòng tránh bão số 4.
Tính đến 20 giờ ngày 27/9 đã di dời 14.450 hộ với 45.051 khẩu. Về cơ bản Thừa Thiên Huế đã sơ tán dân tại các vùng nguy hiểm.
Trước đó vào chiều 27/9, PGS. TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học (ĐH) Huế cho biết, để giúp sinh viên có nơi tránh trú bão số 4 an toàn, nhiều khoa và trường thành viên của ĐH Huế đã mở cửa, chuẩn bị cơ cở vật chất để sinh viên chuyển đến tạm trú trong thời gian mưa bão.
Thông qua nhiều kênh thông tin kết nối, các trường thuộc ĐH Huế đã thông báo đến sinh viên đang ở tại các nhà trọ, nhà cấp 4 không an toàn, có nguy cơ bị thiệt hại do bão; sinh viên ở vùng thấp trũng đăng ký và di chuyển đến trường tạm trú trước thời điểm bão số 4 đổ bộ cho đến khi có thông báo bão tan.
Các khoa, trường ĐH thành viên thuộc ĐH Huế như trường ĐH Sư phạm, ĐH Khoa học, ĐH Ngoại ngữ... đã sử dụng các phòng học, giảng đường để sinh viên đến tạm trú, tránh bão từ chiều 27/9. Các khoa, trường cũng đã bố trí lực lượng cán bộ, đoàn viên, tình nguyện viên túc trực để hỗ trợ cho sinh viên.
Trong chiều 27/9, tại trường ĐH Sư phạm Huế có khoảng hơn 20 sinh viên đến tránh trú bão và được nhà trường tạo điều kiện về chỗ ở an toàn trong thời gian có bão.
PGS. TS Lê Anh Phương còn cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các trường phải đảm bảo việc ăn ở, sinh hoạt cho các em sinh viên. Đặc biệt, phải bố trí người trực, thường xuyên tương tác, liên hệ với sinh viên để hỗ trợ kịp thời cũng như đảm bảo an toàn cho sinh viên trong những ngày tránh bão.
Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế; ĐH Huế đã có thông báo cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong 2 ngày 27 và 28/9 để tránh bão số 4.
Bão chớm quét qua thị trấn biển Cửa Việt, 4 người bị thương
Lúc 16h ngày 27/9, tại các vùng ven biển của tỉnh Quảng Trị bắt đầu có gió mạnh khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ; các quán xá, nhà dân, chợ và hệ thống cột điện, dây điện chiếu sáng, sản xuất đã bị gió bão làm tốc, đổ sập hàng loạt.
Theo thống kê ban đầu, đến 20h tối nay 27/9, tại thị trấn biển Cửa Việt có ít nhất 4 ngư dân bị thương do trong quá trình chạy bão bị các vật dụng xung quanh như mái tôn, cành cây, tường bê tông... văng, rơi, đập trúng người.
Phóng viên Báo CAND ghi nhận tại hiện trường, ngoài các cây xanh bị gãy đổ; các quán xá, nhà cửa, chợ bị bão làm tốc mái, đổ tường, nhiều trụ điện, đường dây điện thắp sáng, phục vụ sản xuất cũng bị gãy đổ, đứt dây hàng loạt.
Qua trao đổi, lãnh đạo UBND huyện Gio Linh cho biết, hiện tại các lực lượng chức năng đang ưu tiên việc đưa người đi cấp cứu, điều trị vết thương do bão; tổ chức khắc phục hậu quả, đặc biệt ưu tiên việc khắc phục đường dây điện bị đứt và đóng điện trở lại để người dân có điều kiện sinh hoạt.
Chạy đua với thời gian, làm sao hạn chế tối đa số người chết, bị thương
Chiều 27/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương cùng đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão số 4 tại tỉnh Quảng Trị. Sau cuộc kiểm tra, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp rà soát công tác ứng phó bão số 4 tại đầu cầu UBND tỉnh Quảng Trị. Dự họp có lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão số 4.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, chỉ còn mấy tiếng nữa thì bão sẽ đổ bộ vào đất liền, thời gian rất quý. Do đó, cần nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời những phát sinh do cơn bão gây ra.
Cho biết về việc kiểm tra khu vực bị lốc xoáy tại Quảng Trị, Phó Thủ tướng cho rằng dù chuẩn bị kỹ càng thì vẫn còn tình huống đột xuất, bất ngờ. Mặc dù bão chưa vào nhưng lốc xoáy làm 100 ngôi nhà tốc mái, 3 người bị thương. Quảng Trị đã vào cuộc kịp thời đưa người gặp nạn đi cấp cứu.
Phó Thủ tướng đề nghị cuộc họp tập trung vào các biện pháp cấp bách trước mắt khi chỉ còn ít thời gian nữa bão sẽ vào. Trong đó, tập trung vào các biện pháp bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân, sức khỏe, tính mạng của người dân là hàng đầu. Điều đó liên quan đến sơ tán, bố trí chỗ ở, đã vận động bà con sơ tán hết hay chưa? "Làm sót cái này thì bão vào thì nguy hiểm cho người dân. Đây là nhiệm vụ số 1".
Cảnh sát cơ động Trung Bộ giúp người dân ứng phó bão số 4
Chiều 27/9, Trung đoàn CSCĐ Trung Bộ thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ - Bộ Công an (đóng tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết, từ ngày 24-27/9, đơn vị đã huy động hàng chục CBCS Tiểu đoàn 3 đã ra quân giúp nhân dân huyện Hiệp Đức và huyện Thăng Bình, Quảng Nam ứng phó bão số 4.