Bảo đảm ANTT, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ
Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an kiến nghị các ban, bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ gây mất ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm ANTT, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ.
Tại Hội nghị trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24, ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN) vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương tổ chức, sáng 23/10, Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương trình bày tham luận với chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, góp phần bảo đảm ổn định an ninh chính trị, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị".
Tạo môi trường an ninh, an toàn, phục vụ phát triển
Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết, trong 20 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của QĐND, các bộ, ban, ngành, địa phương, sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp Nhân dân, bám sát và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 53 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị khóa XI, lực lượng CAND đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai đồng bộ lực lượng, biện pháp giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội vùng Đông Nam Bộ, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ phát triển KTXH trên địa bàn.
Nắm chắc tình hình, đấu tranh làm thất bại nhiều kế hoạch đưa người, phương tiện, vũ khí, ý đồ thành lập lực lượng vũ trang, tiến hành khủng bố, phá hoại trong nội địa. Vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động tuyên truyền, kích động mâu thuẫn dân tộc, lôi kéo chống chính quyền; tham mưu giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp, khiếu kiện; phát hiện, điều tra, xử lý gần 3.700 vụ/gần 4.000 bị can phạm tội về kinh tế, chức vụ, môi trường, trên 22.000 vụ phạm tội hình sự, trên 36.000 vụ/gần 45.000 bị can phạm tội về ma túy; xử lý hàng triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền trên 10.000 tỷ đồng.
Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bố trí Công an xã chính quy, góp phần củng cố thế trận lòng dân vững chắc. Hợp tác quốc tế về ANTT được thúc đẩy ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực. "Kết quả các mặt công tác quản lý nhà nước về ANTT góp phần loại bỏ, đẩy lùi các yếu tố gây mất ổn định, tạo ra môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, thuận lợi, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng Đông Nam Bộ", đồng chí Thứ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Lương Tam Quang, vùng Đông Nam Bộ vẫn đứng trước một số thách thức: Âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động để chống phá Đảng, Nhà nước; nguy cơ đối với an ninh công nhân; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tình hình tội phạm, nhất là tội phạm xuyên biên giới, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm kinh tế, buôn lậu, ma tuý...
Bảo đảm an ninh chính trị, kéo giảm 5% tội phạm qua từng năm
Để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, củng cố vững chắc môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, thuận lợi góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị đang đặt ra cấp thiết hiện nay, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CAND tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm: Tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp vùng Đông Nam Bộ triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về bảo đảm quốc phòng, an ninh, trọng tâm là Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị.
Triển khai lực lượng, biện pháp bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Bảo đảm vững chắc an ninh mạng, an ninh kinh tế, an ninh trong đầu tư nước ngoài, an ninh trong công nhân, an ninh nội địa, tham mưu giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu kiện, đình công, lãn công trong công nhân, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập, không để xảy ra biểu tình, bạo loạn, góp phần phát triển Đông Nam Bộ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực.
"Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp kéo giảm 5% tội phạm qua từng năm; siết chặt quản lý nhà nước về cư trú, quản lý người nước ngoài, phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; củng cố vững chắc môi trường an toàn, thuận lợi, trật tự, kỷ cương cho phát triển KTXH", Thứ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Campuchia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh từ xa. Củng cố lực lượng đủ sức bảo đảm ANTT vững chắc từ cơ sở.
Nhân hội nghị này, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an kiến nghị các ban, bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả quan điểm xuyên suốt của Đảng ta về kết hợp chặt chẽ, hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội với an ninh và an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể, từng quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển KTXH và trên từng địa bàn; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ gây mất ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm ANTT, tạo môi trường thuận lợi để phát triển KTXH vùng Đông Nam Bộ.
Quan tâm giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp liên quan đến đất đai, dân tộc, tôn giáo, các vụ tranh chấp, khiếu kiện; thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là công nhân; đi đôi với coi trọng phòng ngừa tội phạm ngay từ cộng đồng, gia đình, từ cơ sở. Củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; có nhiều hình thức thiết thực tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao cảnh giác, ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật, tích cực, tự giác tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm của người dân. Quan tâm xây dựng lực lượng CAND ở từng địa phương, nhất là Công an cấp xã đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm ANTT từ cơ sở.