Bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch điện tử

Thứ Hai, 19/09/2022, 15:51

Góp ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Bộ Công an đã có một đề án rất thành công về thông tin cá nhân là tích hợp vào căn cước công dân có gắn chip. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các quy định có tính liên thông với các nội dung trên vào dự thảo luật để đảm bảo tiện lợi và an toàn thông tin trong giao dịch.

Tạo hành lang pháp lý chuyển đổi sang môi trường số

Ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVH) cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Báo cáo tóm tắt tờ trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc xây dựng và ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trong thời điểm này là rất cần thiết để thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 17 năm thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

"Sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số Quốc gia", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. Dự án luật gồm 8 chương, 56 điều.

Bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch điện tử -0
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy tán thành với việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, về cơ bản, hồ sơ và thời hạn gửi hồ sơ dự án luật đã tuân thủ theo quy định. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban nhận thấy, tờ trình dự án luật chưa phân tích đầy đủ, chưa làm rõ những nội dung của luật hiện hành còn phù hợp, cần kế thừa; những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Về chứng thư điện tử, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, quy định pháp luật hiện hành về giao dịch điện tử mở ra nhiều cơ hội cho phép các tổ chức tín dụng và khách hàng ký kết hợp đồng dịch vụ ngân hàng bằng phương thức điện tử (giao dịch tài khoản thanh toán, mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ…).

Tuy nhiên, quy định tại Điều 21 của dự thảo luật (Giá trị pháp lý của chứng thư điện tử) có thể dẫn đến việc các tổ chức tín dụng phải gia tăng chi phí, tăng thời gian vận hành khi cung cấp chứng thực điện tử chữ ký số theo yêu cầu. Do đó, đề nghị nghiên cứu chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp, khả thi.

Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, hiện nay Chính phủ đang trình UBTVQH Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và UBTVQH cũng có ý kiến là chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến luật này.

"Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần phối hợp với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Bộ Công an nghiên cứu để đảm bảo nội dung của dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành và tích hợp vào Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cho thống nhất, tránh chồng chéo với nội dung của nghị định nêu trên", Chủ nhiệm UBQPAN nêu.

Bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch điện tử -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.

 Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới nhấn mạnh hiện nay Bộ Công an đã có một đề án rất thành công về thông tin cá nhân là tích hợp vào căn cước công dân có gắn chip. Việc này phục vụ cho Chính phủ điện tử và các bộ, ngành cũng đang tích hợp và sử dụng thông tin này. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các quy định có tính liên thông với các nội dung trên vào trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để đảm bảo tiện lợi và an toàn thông tin trong giao dịch.

Cũng liên quan việc đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo cho biết, luật này có liên quan đến Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin, Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng… hay không. "Chúng tôi đề nghị khi ban hành luật này đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật thì cần có một phụ lục là luật này liên quan đến những luật nào và có sự không thống nhất thì giải quyết như thế nào? Nếu chúng ta chỉ nói sơ sơ là luật này đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì sẽ chưa đầy đủ", Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp lưu ý.

Đánh giá kỹ việc mở rộng nhiều nội dung liên quan đời sống xã hội

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, đây là lần đầu tiên dự thảo luật mở rộng rất nhiều nội dung liên quan đến đời sống xã hội. Để đảm bảo tính khả thi của luật và bảo đảm an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử, đề nghị cần đánh giá kỹ tác động, nhất là những khó khăn, vướng mắc để sau này luật có hiệu lực thì các hoạt động giao dịch điện tử trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, người dân có điều kiện thi hành được.

Bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch điện tử -0
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.
"Hầu hết các lĩnh vực mở rộng lại trải dài, phân cấp thẩm quyền và lại có nhiều lĩnh vực được thực hiện từ cơ sở, như là kết hôn, khai sinh, khai tử theo pháp luật về tư pháp; chứng nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo pháp luật về đất đai, nhà ở...", Trưởng Ban Công tác đại biểu lấy ví dụ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, khi mở rộng ra tất cả các lĩnh vực thì cần thuyết minh là những quy định này một phần để đảm bảo thuận lợi cho người dân nhưng mặt khác cũng đảm bảo an toàn, an ninh.

"Ví dụ như đăng ký kết hôn, có nhất thiết phải dắt nhau đến cùng lúc không? Hoặc những thông tin trong Hiến pháp quy định, có những vấn đề liên quan đến quyền thông tin riêng tư và bất khả xâm phạm, chúng ta có cách nào để bảo vệ an toàn, hạ tầng có phải lúc nào cũng đáp ứng được vấn đề này không?", Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng và đề nghị, một số lĩnh vực quan trọng như giao dịch điện tử trong hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử, tài chính ngân hàng có đặc thù... cần thiết có quy định riêng hoặc quy định khung để sau này làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết hơn.

Bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch điện tử -0
Toàn cảnh phiên họp.

Đánh giá đây là luật đi sâu vào kỹ thuật và công nghệ, lĩnh vực rất đặc thù, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần soát xét lại làm sao cho dễ hiểu, dễ nhớ. "Ngay cả chữ ký số với chữ ký điện tử nhiều người cũng không hiểu lắm đâu, khác nhau giữa hai loại chữ ký này như thế nào?", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu làm không tốt, đặc biệt nếu vi phạm những nguyên tắc căn bản của môi trường số hoặc không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi và không tính đến bối cảnh Việt Nam thì nó có thể là vật cản cho sự phát triển số ở Việt Nam. Vậy nên chúng ta cần cân nhắc hết sức thấu đáo trong quá trình xây dựng luật.

Về nguyên tắc quản lý, Bộ TT&TT sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số và cũng sẽ không có một bộ, ngành nào làm việc này, sẽ không có một bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số. "Ví dụ như các hoạt động về báo cáo giám sát các giao dịch điện tử thì cũng do các bộ, ngành quy định.

Quỳnh Vinh
.
.
.