Bảo đảm an toàn phòng không qua việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ

Thứ Sáu, 09/08/2024, 15:02

Sáng 9/8, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã dự và chỉ đạo Toạ đàm Hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không.

Toạ đàm do Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) tổ chức, dưới sự chủ trì của Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm UBQPAN. Cùng dự có các đồng chí trong Thường trực UBQPAN; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học...

Bảo đảm an toàn phòng không qua việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự và chỉ đạo toạ đàm.

Phát biểu khai mạc toạ đàm, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng không nhân dân (PKND); trong đó có nội dung về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không. Toạ đàm được tổ chức nhằm có thêm cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn vững chắc để hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36 (tháng 8/2024); đồng thời, cung cấp thông tin cho các vị đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong quá trình cho ý kiến, xem xét thông qua dự thảo luật quan trọng này.

Cũng theo Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, hiện nay, trên thế giới tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ đang được sử dụng rộng rãi cho cả mục đích quân sự và dân sự. Trong lĩnh vực dân sự, đã có sự phát triển, ứng dụng nhanh chóng, thị trường về phương tiện này tăng trưởng theo cấp số nhân và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội (nông, lâm nghiệp; thông tin truyền thông; khoa học kỹ thuật; văn hóa, thể thao và du lịch; giải trí... ).

Bảo đảm an toàn phòng không qua việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ -0
Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Hải Hưng phát biểu tại toạ đàm.

Tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ trong hoạt động quân sự không chỉ là phương tiện trinh sát mà còn đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác như: tấn công, tình báo, gây nhiễu, vận tải... và được trang bị trong nhiều lực lượng. Thường trực UBQPAN mong muốn, trên cơ sở phát huy trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu, thẳng thắn, khách quan, toàn diện, có giá trị về lý luận và thực tiễn của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các cơ quan, đơn vị tham dự tọa đàm.

Trung tướng Nguyễn Văn Thân, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng đề nghị, để quản lý các phương tiện bay không người lái, cần phải biết gồm có những loại phương tiện nào, tính năng, cấu tạo, sử dụng vào mục đích gì, từ đó phân loại thành các dạng khác nhau để quản lý. "Phải quản lý được vật tư, linh kiện cấu thành phương tiện bay không người lái, từ khâu nhập khẩu đến sản xuất từng linh kiện của các nhà máy. Hiểu được loại nào phục vụ cho nhiệm vụ gì, khả năng có an toàn hay không. Cùng với đó là quản lý sản phẩm phương tiện bay không người lái đã lắp ráp hoàn thiện. Quản lý hệ thống điều khiển, tự động hay là hỗn hợp giữa trên không và mặt đất, hay sử dụng hệ thống vệ tinh...", ông lưu ý.

Bảo đảm an toàn phòng không qua việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ -0
Bảo đảm an toàn phòng không qua việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ -1
Bảo đảm an toàn phòng không qua việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ -2
Các đại biểu thảo luận tại toạ đàm.

Đại biểu cũng cho rằng, cần phải làm tốt công tác quản lý cả hệ thống liên lạc với phương tiện bay không người lái. Quản lý tính năng các thiết bị mà các phương tiện bay không người lái mang theo. Cuối cùng là quản lý con người điều khiển, sử dụng phương tiện bay ấy, nhằm bảo đảm an toàn cho mục tiêu mặt đất và các khu vực phòng thủ...

Theo Đại tá, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Giảng viên cao cấp Học viện Kỹ thuật Quân sự, hoạt động PKND không chỉ giới hạn trong thời chiến mà cả thời bình và trong thời điểm hiện tại là chủ yếu; lượng người tham gia trên cả nước đông đảo, sâu rộng. Điều phức tạp và nhức nhối nhất trong thời bình là việc phát hiện, xử lý, chế áp và kinh doanh, phát triển sản xuất các tàu báy không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. "Các phương tiện này có thể xuất hiện bất ngờ, mọi lúc mọi nơi, tiềm ẩn nhiều mối đe doạ trực tiếp và mơ hồ giữa ranh giới hợp pháp và bất hợp pháp, khó phân biệt. Nếu nằm trong một chiến dịch tấn công bất hợp pháp của các đối tượng quấy rối, khủng bố thì sẽ trở thành đòn tấn công làm cho cho đối phương không chịu đựng nổi", ông phân tích và đề nghị rà soát, cập nhật các khái niệm, thuật ngữ về tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để quản lý cho phù hợp.

Bảo đảm an toàn phòng không qua việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại toạ đàm.

Về phương tiện bay siêu nhẹ, nguyên Phó Chủ nhiệm UBQPAN Lê Việt Trường băn khoăn về khinh khí cầu, vì có loại khinh khí cầu có người điều khiển và loại khinh khí cầu không có người điều khiển. Có loại trần bay khoảng 18.000m, vượt xa các loại chúng ta điều chỉnh trong luật (trần bay không quá 120m). Do đó, theo ông, nên tách khinh khí cầu ra một loại riêng để quy định cho hợp lý.

Về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức tàu bay không người lái, nguyên Phó Chủ nhiệm UBQPAN cũng đề nghị trong luật cần cụ thể do chủ thể nào tổ chức, bồi dưỡng, cung cấp và thời hạn của mỗi loại chứng chỉ. Nên chăng quy định, người điều khiển các phương tiện này cần có sự đánh giá về sức khoẻ của y tế hàng không - đây là vấn đề rất cần thiết vì ví dụ người điều khiển mắt kém, tầm nhìn hạn chế thì rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn...

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về các quy định nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ...

Phát biểu chỉ đạo tại toạ đàm, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực UBQPAN tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu, tiếp tục làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý của Luật PKND, luật hóa Nghị định số 36 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. "Chúng ta không chỉ phòng không trong thời chiến mà còn phòng không trong thời bình, nhằm bảo vệ vùng trời, bảo vệ cuộc sống lao động, hoà bình của người dân", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nhiều nội dung trong dự thảo luật, đặc biệt là điều kiện khai thác bay, thẩm quyền cấp phép của từng loại phương tiện, mức độ rủi ro, khả năng chế áp...

Quỳnh Vinh
.
.
.