Báo chí là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc
Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023), sáng 13/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam.
Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam và các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan báo chí.
Tham dự buổi gặp mặt còn có các nhà báo lão thành, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ: Hà Đăng, Hồng Vinh, Vũ Văn Hiền, Lê Quốc Trung, Hà Minh Huệ, Hồ Quang Lợi…
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, với vai trò là nơi tập hợp, đoàn kết đội ngũ hội viên-nhà báo, thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã góp phần tổ chức, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước trên mọi lĩnh vực; thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và quy định của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện những quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam, để xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao.
Theo đồng chí Lê Quốc Minh, Hội Nhà báo các cấp đang đối diện với nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Đó là, chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số tổ chức hội còn hạn chế, chưa phát huy đầy đủ vai trò và vị thế của Hội. Công tác tập hợp những người làm báo còn gặp nhiều khó khăn. Một số tổ chức hội, cơ quan báo chí chưa chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ…
Đại diện cho các cơ quan báo chí và hàng nghìn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc TTXVN; Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân; đồng chí Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng; đồng chí Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh niên; đồng chí Trương Văn Chuyển, Tổng Biên tập Báo Cần Thơ; đồng chí Nguyễn Đức Nam, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng, đã bày tỏ sự vui mừng, hạnh phúc khi được Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn quan tâm, động viên đến hoạt động báo chí. Các đồng chí cũng đã nêu những khó khăn, thách thức mà các cơ quan báo chí của mình đang đối mặt, từ đó, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí mong sự sẻ chia, giúp đỡ của Chính phủ để báo chí tiếp tục đồng hành với sự phát triển của đất nước, xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
Đồng cảm với những khó khăn, thách thức mà các cơ quan báo chí đang đối mặt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, với vai trò, chức trách và quyền hạn của mình, hai Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ những chính sách tạo thuận lợi cho sự phát triển của báo chí nước nhà.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, buổi làm việc nhằm chia sẻ, lắng nghe các ý kiến để hành động nhằm tăng cường và đổi mới quản lý nhà nước với báo chí, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi, điều kiện tốt nhất có thể, tăng cường sức mạnh tinh thần và vật chất để báo chí, đội ngũ những người làm báo hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương nỗ lực, thành tích, kết quả, sự cống hiến của Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo trên cả nước, góp phần quan trọng vào thành tích chung của cả nước, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, như: Vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số cơ quan báo chí và người làm báo; tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp; biểu hiện “tư nhân hóa báo chí”; phản ánh nhiều bạo lực, chạy theo thị trường, thiếu tính định hướng, thiếu tính giáo dục và nhân văn…
Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam đẩy mạnh hoạt động tập hợp lực lượng, xây dựng đội ngũ những người làm báo, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho hội viên để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại” như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.
“Báo chí phải đồng hành cùng dân tộc, làm tốt hơn nữa chức năng định hướng tư tưởng, là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, cơ quan, địa phương, đơn vị để phản ánh, đồng hành, nhất là 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên cơ sở những chia sẻ của lãnh đạo các cơ quan báo chí và lãnh đạo các bộ ngành, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới hoạt động báo chí như Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch báo chí hợp lý, hiệu quả hơn; triển khai các giải pháp bảo đảm hạ tầng số, đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất cho các cơ quan báo chí; hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ với báo chí; biên chế tổ chức Hội…, phù hợp với nhu cầu phát triển của báo chí và điều kiện, hoàn cảnh đất nước.
Thủ tướng giao Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì phối hợp cùng các bộ, cơ quan liên quan, xin ý kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương khẩn trương xây dựng Đề án, kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam theo hướng thiết thực, hiệu quả, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.