Báo chí cách mạng là lực lượng tiên phong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Mỗi cơ quan báo chí phải là “pháo đài” chính trị tư tưởng vững chắc trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đó là phát biểu của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại Hội thảo khoa học: “Báo chí với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức ngày 27/10.
Các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Trần Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội thảo.
Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, đánh giá thực trạng báo chí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng theo Nghị quyết 35-NQ/TW. Từ đó, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; góp phần củng cố và tăng cường niềm tin, giữ vững mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Ðảng và với nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Hội thảo góp phần làm rõ thêm nội dung, yêu cầu đặt ra của nền báo chí cách mạng đối với việc thực hiện hiệu quả nghị quyết trong tình hình mới; từ đó, tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các cơ quan, đơn vị báo chí trong việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, báo chí cách mạng Việt Nam đã thực sự là lực lượng tuyến đầu, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kịp thời đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động, nội dung thông tin bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, mất đoàn kết trong Đảng và xã hội; đồng thời, tôn vinh, khen thưởng kịp thời những cá nhân hoàn thành xuất sắc sứ mệnh trên mặt trận tư tưởng.
Thời gian tới, báo chí cần đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, kết hợp giữa “xây” và “chống”. Tăng cường các thông tin chính thống, tích cực, chủ động để lấn át các thông tin xấu độc trên không gian mạng, nhất là cần tiếp thu, đổi mới các hình thức tuyên truyền để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống. Nâng cao chất lượng và đa dạng hơn nữa cả nội dung và hình thức chuyên trang, chuyên mục và áp dụng các tiện ích đa phương tiện để chuyển tải hấp dẫn nội dung tuyên truyền, giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết Đại hội XIII. Tập trung khẳng định những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thành tựu đổi mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, thông tin toàn diện thành tựu đổi mới của đất nước…
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, mỗi cơ quan báo chí phải là “pháo đài” chính trị tư tưởng vững chắc trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, thế hệ trẻ có sức đề kháng, sức miễn dịch tốt trước các thông tin xấu độc, tự giác tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Cùng với đó, thực hiện tốt phương châm tăng cường tuyên truyền lan tỏa thông tin chính thống, “nhân cái đẹp để dẹp cái xấu”, đẩy lùi tiêu cực, lấn át các thông tin xấu độc. Bảo đảm lượng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội là dòng chảy chính tên mặt báo. Các cơ quan báo chí cần tuyên truyền, nhân rộng, lan tỏa những mảng sáng, mảng tích cực, các điển hình cá nhân, tập thể, gương người tốt, việc tốt trên tất cả các lĩnh vực, để khơi dậy niềm tin của nhân dân với nền tảng tư tưởng, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Các tham luận được trình bày tại hội thảo và gần 50 tham luận được gửi tới Ban Tổ chức đã đi sâu phân tích một số vấn đề lý luận về báo chí với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thực trạng cũng như nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của các cơ quan báo chí.
Nổi bật như: tham luận “Báo chí cách mạng và đội ngũ các nhà báo trong sự nghiệp “phò chính trừ tà” của GS.TS Hoàng Chí Bảo (Nguyên ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); tham luận “Đảng ủy Báo Quân đội nhân lãnh đạo công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của Đại tá Đỗ Phú Thọ (Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân); tham luận “Báo chí với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của PGS. TS Nguyễn Mạnh Hưởng (Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc Phòng); tham luận “Tạp chí Quốc phòng toàn dân với đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của Thiếu tướng, TS. Đỗ Hồng Lâm (Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân); tham luận “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai, phản động từ thực tiễn báo chí Hà Nội” của đồng chí Bùi Huyền Mai (Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội); tham luận “Quan điểm, giải pháp chỉ đạo báo chí đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch trên địa bàn TP Hải Phòng” của đồng chí Đào Khánh Hà (Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng)…
Các tham luận đi sâu phân tích yêu cầu cấp thiết trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh hiện nay. Từ đó khẳng định công tác này là nhiệm vụ khách quan và việc ban hành Nghị quyết 35-NQ/TW xuất phát từ yêu cầu bảo vệ và bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tập trung vào vấn đề nhận diện âm mưu, thủ đoạn, đối tượng, nội dung và phương thức chống phá của các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay; chỉ ra chủ thể, nội dung, phương thức tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Những yêu cầu của cơ quan báo chí trong tình hình mới.
Nhiều đại biểu đã trao đổi rất sâu sắc, chân thực về những kết quả thực tiễn trong việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ở các Ban Tuyên giáo, các cơ quan báo chí địa phương. Đại diện các cơ quan báo chí cũng cung cấp nhiều kinh nghiệm trong triển khai nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chỉ rõ những kết quả đạt được cũng như những thuận lợi, khó khăn gắn với đặc thù của từng cơ quan, loại hình báo chí.
Đặc biệt, các tham luận đã đóng góp những giải pháp, qua đó phát huy vai trò quan trọng của các Ban Tuyên giáo, các cơ quan báo chí; các đề xuất, kiến nghị về việc tăng cường phối hợp trong việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW nhằm phát huy thế mạnh của từng cơ quan, đơn vị, loại hình báo chí.