Bám sát diễn biến bão số 6 trong bối cảnh các địa phương đang có dịch bệnh

Thứ Năm, 23/09/2021, 18:33

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các địa phương không được lơ là chủ quan trong ứng phó với bão, phải đảm bảo an toàn tính mạng người dân, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

 

Chiều 23/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì họp khẩn Ban Chỉ đạo để triển khai các biện pháp ứng phó bão số 6. Cuộc họp được kết nối trực tuyến với các điểm cầu: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

32 huyện có nguy cơ ngập lụt do mưa bão số 6

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, một số nơi ở khu vực Trung Bộ đã có mưa từ 50-100 mm, có nơi trên 130 mm. Từ đêm 23/9 đến hết ngày 24/9, mưa vẫn tiếp tục ở khu vực tỉnh Hà Tĩnh - Bình Định với tổng lượng mưa từ 150-250 mm, một số nơi là tâm mưa ở Trung Trung Bộ có mưa trên 300 mm. Khu vực Kon Tum, Gia Lai có mưa với lượng mưa từ 100-150 mm, có nơi trên 150 mm.

Ảnh hưởng từ hoàn lưu bão số 6 vẫn tiếp tục mở rộng ra phía bắc. Từ ngày 24 đến 25/9, các tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An có mưa từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.

k1.jpeg -0
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm phân tích cường độ bão số 6.

Với tình hình mưa như trên, các khu vực ngập lụt sâu từ Quảng Trị - Bình Định sẽ có lũ ở mức báo động 1, một số sông trên báo động 2, riêng các sông khu vực Kon Tum lên báo động 2, báo động 3.

“Kịch bản mưa lũ trên sẽ có khoảng 32 huyện và khu đô thị từ Hà Tĩnh - Quảng Ngãi và Kon Tum có nguy cơ ngập lụt; 29 huyện có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất”, ông Khiêm thông tin.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến 15 giờ chiều nay 23/9, vẫn còn 21 tàu trong vùng nguy hiểm (Đà Nẵng: 5 tàu; Bình Định: 5 tàu; Quảng Ngãi: 11 tàu). Các tàu đều nắm được thông tin và tiếp tục di chuyển khỏi vùng nguy hiểm.

Báo cáo cũng cho biết vùng ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đang có 6.113 lồng bè, nuôi trồng thủy sản. Hiện các tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng phương án di chuyển theo thực tế diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão.

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn 251.309 ha lúa hè thu chưa thu hoạch. Các địa phương đã có công điện, văn bản chỉ đạo; rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền đảm bảo an toàn lồng bè; sẵn sàng sơ tán dân trên lồng bè tùy theo diễn biến thực tế của địa phương.

bao-so-6-16323880601271871530436.jpeg -0
Hướng đi của bão số 6. Ảnh: NCHMF

Theo nhận định chung, bão số 6 có hướng di chuyển khá đặc biệt vì hình thành từ áp thấp nhiệt đới ngay trên biển Đông nên di chuyển vào đất liền rất nhanh, vì vậy cần đặc biệt đề phòng gió mạnh và mưa lớn trên đất liền sẽ gia tăng nguy cơ ngập lụt vùng đô thị và trũng thấp và lũ quét, sạt lở đất ở miền núi. Các địa phương từ Hà Tĩnh đến Bình Định hết sức lưu ý hoạt động của tàu thuyền ven bờ và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị...

Không được chủ quan trong phòng, chống bão 

Đại tá Trần Thái Bình, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, rút kinh nghiệm từ các cơn bão trước, Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo các lực lượng tuyến biển và biên giới chủ động xây dựng phương án phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tuyến biên giới, đặc biệt là ở những nơi trong các cơn bão vừa qua có dấu hiệu mất an toàn cao chủ động phối hợp với các địa phương để phòng tránh. Các đơn vị hiện nay đã sẵn sàng, có thể huy động cũng như các phương tiện tàu thuyền và con người thường trực ứng cứu khi có điều động.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Đà Nẵng, Quảng Nam khẩn trương hướng dẫn các phương tiện thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão, thường xuyên giữ liên lạc để chủ động hỗ trợ khi có tình huống xấu. Hết sức chú ý, đảm bảo an toàn cho người dân tại những khu vực có nguy cơ cao về lũ ống lũ quét, sạt lở đất cũng như sẵn sàng triển khai phương án di dời dân đảm bảo an toàn về người và tài sản, đồng thời an toàn phòng dịch COVID-19.

242319030_998141254093479_2314693004055806098_n.jpeg -0
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, tất cả các tàu, thuyền trong đêm nay, lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp giữa các địa phương phải gọi về hoặc hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

“Trực ban thiên tai ở các địa phương phải trực 24/24h để nắm bắt tình hình, có tình huống là phải báo cáo kịp thời để nhanh chóng ứng phó hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra. Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp càng gia tăng mức độ nguy hiểm của thiên tai, vì vậy phòng chống bão trong tình hình hiện nay đòi hỏi không được chủ quan, phải rất căn cơ, sơ xảy là có thể thiệt hại gấp nhiều lần so với tình hình bình thường khi không có dịch bệnh”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý.

Ngọc Yến
.
.
.