Bài 1: Thương mại điện tử tăng trưởng thần kỳ
Báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, năm 2021 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31%, đạt 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của TMĐT. Việc chuyển đổi số, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là cơ hội thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), để các doanh nghiệp (DN) phát triển thương hiệu, nâng tầm vị thế.
“Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển” là một trong những nội dung nêu ra tại Quyết định Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong gần 3 năm xảy đại dịch COVID-19, khó khăn chồng khó khăn nhưng cũng chính là cơ hội để chương trình Chuyển đổi số quốc gia tăng tốc. Loạt bài sau đây của phóng viên Báo CAND ghi nhận những chuyển biến nhiều mặt kinh tế - xã hội, để thấy rõ sự thích ứng linh hoạt trong đại dịch cũng như bước chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Nhà nông livestream bán hàng qua sàn TMĐT
Trong 2 ngày 6-7/12 vừa qua, tại vườn táo của gia đình ông Doãn Văn Trình - thành viên Hợp tác xã (HTX) Hưng Thịnh (xã Mường Bú, huyện Mường La, Sơn La), hơn 40 học viên đã có mặt để lần đầu tiên trải nghiệm livestream giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng và bán hàng trên sàn TMĐT Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Kết thúc buổi livestream, sàn TMĐT Postmart đã nhận được 35 đơn đặt hàng với số lượng tương đương 250kg táo đại.
Theo ông Nguyễn Đình Hướng, Giám đốc HTX Hưng Thịnh, đây là lần đầu tiên hội viên HTX có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm thực tế cách thức bán hàng trên không gian mạng, thông qua buổi tập huấn này, các hội viên đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là làm quen với livestream bán hàng trực tiếp và qua sàn TMĐT Postmart.vn. Sản phẩm của nông dân Sơn La khi đưa lên sàn TMĐT đều phải đảm bảo và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của sàn về chất lượng sản phẩm cũng như quy cách đóng gói. Chúng tôi được hướng dẫn cách thức đóng gói, vận chuyển sao cho vừa đảm bảo được độ tươi ngon, vừa nâng tầm được thương hiệu. Hy vọng nông sản đặc trưng của Sơn La nói chung và táo đại nói riêng sẽ được người dân trên toàn quốc quan tâm và đặt hàng”, ông Hướng cho biết thêm.
Ông Trịnh Xuân Giáo, chủ trang trại cam Đồng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) chia sẻ sau buổi livestream ngày 28/11: Dù thương hiệu cam Đồng Thành đã được nhiều người biết đến nhưng đây là lần đầu tiên các trang trại cam được tiếp cận với cách thức quảng bá bằng livestream trực tiếp. Từ chương trình này, nhiều hộ dân trồng cam hy vọng người tiêu dùng khắp nơi trên cả nước sẽ biết đến cam Vinh - cam Đồng Thành nhiều hơn.
Đặc biệt, sàn TMĐT Vỏ Sò của Viettel Post, sau 2 năm ra đời, từ con số 0 lên đến 18 triệu khách hàng sử dụng. Năm 2021, Vỏ Sò đã đưa 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, thậm chí cả những hộ tại vùng sâu, vùng xa tiếp cận TMĐT. Tại xã Quang Thuận, Bắc Kạn, mùa quýt 2021, chỉ trong một buổi livestream bán hàng chưa đầy 30 phút tại vườn với sự hướng dẫn của nhân viên Viettel Post và Vỏ Sò, anh Nông Văn Huỳ đã bán được 300 đơn hàng trên sàn TMĐT Vỏ Sò. Điều mà 30 năm trồng quýt anh chưa từng nghĩ đến. Năm 2021 là năm thứ 2 người nông dân Bắc Kạn đưa cam, quýt lên sàn TMĐT Vỏ Sò. Năm 2020, sản lượng quýt Bắc Kạn bán trên sàn là 26 tấn thì năm nay, dù mới bắt đầu vào đầu vụ, sản lượng quýt đã đạt 4,5 tấn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy bà con vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số có kênh bán hàng bền vững, trực tiếp từ người bán đến người dùng.
Ông Hà Văn Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn cho biết, công ty có 15 sản phẩm chế biến từ củ nghệ nếp Bắc Kạn đã được cấp phép sản xuất, đang bán tại thị trường. Nhờ có sàn TMĐT, việc quảng bá sản phẩm đã thuận tiện hơn, việc đưa sản phẩm đến người tiêu dùng dễ dàng hơn, thay vì trước đây bán hàng trên Facebook. Sàn TMĐT không chỉ là cơ hội phát triển cho công ty mà còn cho tất cả các sản phẩm nông sản khác của tỉnh Bắc Kạn.
Ông Vũ Hồ Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Digital Kingdom (DGK) cho biết, hiện nay nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ Blockchain của Công ty để truy xuất nguồn gốc. Có 59 Chi cục Phát triển nông thôn, 160 cán bộ địa phương và hơn 600 cán bộ HTX đã sử dụng công nghệ này. Nhờ việc chuyển đổi số này, thời gian qua, hơn 2.500 tấn sầu riêng, 100 tấn khoai lang, 80 tấn bưởi, 200 tấn xoài, chôm chôm, vải… được hỗ trợ. Tổng giá trị đơn hàng lên tới hơn 300 tỷ đồng.
Điều đó cho thấy, cùng với các kênh phân phối truyền thống, hiện nay TMĐT đang trở thành kênh phân phối triển vọng đối với DN và nông dân. Tổng giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng cho biết, để chuyển đổi số nông nghiệp, đưa hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT đòi hỏi cần có một quá trình dài hơi đồng hành cùng họ, giúp họ làm quen với công nghệ và thay đổi tư duy. Không chỉ tiêu thụ trên thị trường nội địa, nhiều DN đã tận dụng TMĐT đưa hàng Việt vươn ra thị trường thế giới, đến được những thị trường khó tính. Tháng 6/2021, Viettel Post đã xuất khẩu thí điểm thành công hơn 4 tấn vải thiều Bắc Giang sang thị trường châu Âu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện xuất khẩu theo phương thức TMĐT xuyên biên giới trên nền tảng TMĐT Make in Việt Nam-Voso Global. Mới đây, IDEA chủ trì phối hợp với các đối tác lớn trong và ngoài nước như Sàn TMĐT lớn và uy tín hàng đầu của Trung Quốc JD.com, Vinanutrifood, Viettel Post, VP Bank, Visa… để tổ chức xây dựng “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn TMĐT JD.com. Đây sẽ là khu gian hàng Việt Nam đầu tiên nền tảng TMĐT quốc tế với các sản phẩm Việt của các DN Việt được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại thị trường nước nhập khẩu triển khai qua phương thức TMĐT xuyên biên giới.
“Cú hích” để hàng Việt, doanh nghiệp Việt bước ra thế giới
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần EUBIZ Việt Nam và EUBIZ Bình Phước cho biết, với sản phẩm chủ lực là hạt điều và trái cây sấy, công ty đã chuẩn hóa quy trình, chất lượng sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của TMĐT quốc tế. Đây cũng chính là giấy thông hành để DN tiếp cận được các thị trường khó tính nhất tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... “Trước đây, việc bán hàng của công ty chủ yếu thông qua hình thức trực tiếp và mở rộng đại lý phân phối. Từ năm 2019, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn trong mua sắm trực tuyến nên quyết định thúc đẩy phát triển hoạt động bán hàng trên các kênh TMĐT quốc tế như: Alibaba, Amazon; Marketing qua website, YouTube, nhờ đó tăng tỷ trọng bán hàng từ 40% lên đến 60%. DN cũng vươn lên đạt top 100 Best Seller về hạt điều tại Mỹ năm 2021. Top Ranking vị trí số 1 Alibaba tháng 7, tháng 8-2021…” bà Hoa chia sẻ.
Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, bất chấp những thách thức to lớn mà đại dịch COVID-19 gây ra cho các DN trên toàn cầu, các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon vẫn tiếp tục phát triển và lớn mạnh. Trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31/8/2021, số lượng các DN vừa và nhỏ Việt Nam bán hàng trên Amazon đã đạt mức tăng trưởng hai con số; Theo đó, gần 7,2 triệu sản phẩm của các DN vừa và nhỏ Việt Nam được bán cho các khách hàng Amazon trên khắp thế giới. Với lợi thế về hàng hóa xuất khẩu, nguồn lao động và năng lực sản xuất, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để tạo ra những đột phá quan trọng trong ngành thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho biết, năm 2021 đánh dấu quá trình chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ với sự tăng trưởng nhanh chóng đến từ người dùng trong lĩnh vực TMĐT. Trong năm 2022, các chủ sàn sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm nhiều khách hàng, DN và toàn thể cộng đồng tiếp cận với các lợi ích mà TMĐT mang lại.
Chia sẻ về những kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc phát triển Đối tác Kinh doanh của Lazada Việt Nam cho hay, do chưa trang bị về tư duy kinh doanh trên nền tảng số nên nhiều DN Việt vẫn loay hoay với những khó khăn do thiếu dữ liệu trên nền tảng số. Cùng với đó là khả năng tiếp cận khách hàng trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu do đại dịch cũng như bài toán đầu tư về chi phí vận hành. Tuy nhiên, nếu làm tốt các vấn đề này, các DN có thể dễ dàng thích ứng với sự phát triển của xã hội cũng như đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, chuyển đổi số của DN tại Việt Nam còn nhiều rào cản, khó khăn khi chi phí đầu tư cao, hạ tầng công nghệ thông tin hiện tại kém phát triển, rủi ro an ninh mạng, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế…Vì vậy, Bộ KH&ĐT đang đẩy mạnh triển khai Chương trình Hỗ trợ DN Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.
“Qua gần 1 năm triển khai, Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số đã bước đầu thu hẹp khoảng cách, năng lực cho các DN. Bộ KH&ĐT đã phối hợp Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ DN khi sử dụng tư vấn, thuê, mua giải pháp chuyển đổi số. Chính phủ đang triển khai để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn,” bà Thuỷ cho hay.
Để phát triển thị trường cho DN TMĐT trong bối cảnh chuyển đổi số, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện nay, Quốc hội, Chính phủ đang xem xét đề nghị xây dựng các văn bản luật mới liên quan lĩnh vực giao dịch điện tử, công nghệ thông tin... Cùng với đó, Thủ tướng đã có Quyết định số 645/QĐ-TTg về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; đồng thời thực hiện nhiệm vụ Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cũng khẳng định, các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT phát triển sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi, mua bán hàng hoá trực tuyến. Tại Đề án 844, Bộ cũng đã định hướng hỗ trợ cho những đề xuất giải pháp giúp phát triển thị trường cho DN khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới việc đưa sản phẩm ra thị trường trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Đón đọc Kỳ 2: “Cú hích” trong giáo dục
- Ngày 21/7/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1034 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu hết năm 2021 sẽ có 5 triệu hộ nông dân mở các gian hàng số trên 2 sàn TMĐT chuyên về nông sản Việt là Postmart.vn và Voso.vn nhằm kết nối quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Vũ Hồ Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Digital Kingdom (DGK): Về phía HTX, công nghệ Blockchain có gắn kèm tem chống hàng giả, giúp nông sản minh bạch, thông tin rõ ràng khi xuất khẩu, tạo dựng niềm tin ban đầu giữa người bán và người mua.
Thông tin trong Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương công bố: Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng Internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm doanh thu TMĐT B2C liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Nếu như năm 2016, đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.