Ba luật và nhiều chính sách có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024
Từ ngày 1/1/2024, Luật Đấu thầu, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Thi đua, khen thưởng sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.
Luật Đấu thầu quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về quyền, nghĩa vụ của người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng; sai sót chuyên môn kỹ thuật; điều kiện bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.
Luật Thi đua, khen thưởng quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng.
Bên cạnh đó, giảm thuế giá trị gia tăng 2%, sửa đổi quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí, quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ… là những chính sách sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2024.
Giảm thuế giá trị gia tăng 2%
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.
Theo đó, cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ theo quy định. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Sửa quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 82/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Trong đó, sửa đổi, bổ sung tên và các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều 3. Nội dung sửa đổi cụ thể như sau: Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; nộp phí, lệ phí cho tổ chức thu hoặc Kho bạc Nhà nước bằng các hình thức: Nộp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể hình thức nộp, kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp... Nghị định có hiệu lực từ ngày 12/1/2024.
Từ ngày 15/1/2024 thực hiện quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
Trong đó, Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 17 về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ như sau:
Phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ (đại lý phân phối) cho đối tượng mua. Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận. Phương án phát hành riêng lẻ bao gồm các nội dung cơ bản sau: Đối tượng mua trái phiếu; khối lượng dự kiến phát hành; kỳ hạn trái phiếu; lãi suất dự kiến; thời gian dự kiến phát hành; dự kiến hình thức phát hành riêng lẻ (Kho bạc Nhà nước phát hành trực tiếp hoặc lựa chọn đại lý phân phối). Bộ Tài chính chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ theo các nội dung quy định trên.
Trên cơ sở phương án phát hành riêng lẻ được Bộ Tài chính chấp thuận, Kho bạc Nhà nước tổ chức thực hiện…
Khung tiêu chuẩn mới xét tặng “Gia đình văn hóa”
Có hiệu lực từ 30/1/2024, Nghị định số 86/2023/NĐ-CP quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”. Trong đó, về khung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, Nghị định nêu rõ, để được xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa” thì gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau:
Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước: Các thành viên trong gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định; bảo đảm thực hiện an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm các quy định về độ ồn, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng theo quy định của pháp luật về môi trường.
Tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương: Tham gia các hoạt động nhằm bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên và môi trường của địa phương; tham gia các phong trào từ thiện, nhân đạo; đền ơn đáp nghĩa; khuyến học khuyến tài và xây dựng gia đình học tập; tham gia sinh hoạt cộng đồng ở nơi cư trú; tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội do địa phương tổ chức; người trong độ tuổi có khả năng lao động tích cực làm việc và có thu nhập chính đáng; trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường.
Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng: Thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; thực hiện tốt chính sách dân số, hôn nhân và gia đình; thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình/bạo lực trên cơ sở giới; hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước/các loại hình tương tự hợp vệ sinh; tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn.