Ai bao che quán bar, vũ trường sử dụng ma tuý sẽ xử lý nghiêm

Thứ Tư, 10/08/2022, 12:30

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Tô Lâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/8.

Chất vấn về vấn đề này, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho rằng, thời gian qua, Bộ Công an đã có nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, trong đó có đối tượng tiềm năng là thanh niên, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp và đây là những đối tượng thường gây ra những vụ án thương tâm, đau lòng.

Để phòng, chống có hiệu quả về tội phạm này thì cần  sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện các giải pháp đồng bộ, tuyên truyền nâng cao nhận thức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, Chương trình mục tiêu quốc gia về cai nghiện ma túy đã dừng thực hiện vì nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí.

Để thực hiện các giải pháp trên, nhiều cơ sở cai nghiện xuống cấp, quá tải không đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Vậy Bộ Công an là cơ quan chủ trì phòng, chống ma túy thì có giải pháp gì để khắc phục bất cập trên?

Sẽ xử lý nghiêm cán bộ nếu bao che cho các quán bar, vũ trường tổ chức sử dụng ma tuý -0
Đại biểu Lò Thị Luyến chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong thời gian vừa qua, tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng xuất hiện một số loại ma tuý mới, các đối tượng tẩm ướp, trộn lẫn ma túy trong thực phẩm, trong nước uống để bán cho giới trẻ sử dụng nhằm thu lời bất chính và che giấu hành vi phạm tội. Gần đây, Công an TP Hà Nội đã phát hiện, thu giữ một số loại ma túy dạng mới được ngụy trang dưới nhiều hình thức tinh vi như thanh sôcôla nhưng thực chất là hỗn hợp cần sa trộn lẫn vào bột ca cao đang được bán công khai rộng rãi trên mạng xã hội, nguy hiểm cho người sử dụng.

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy, các loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp, các cách thức nhận biết ma túy, thực phẩm, đồ uống dễ bị pha trộn….

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng thường xuyên cập nhật, theo dõi, thu thập các thông tin, tài liệu liên quan đến ma túy mới để thông báo, tuyên truyền cho người dân canh giác, phòng ngừa. Riêng đối với các loại ma túy mới phát hiện tại Việt Nam chưa có trong danh mục kiểm soát, Bộ Công an đã đề xuất, báo cáo Chính phủ bổ sung vào danh mục chất ma túy và tiền chất quy định để tạo cơ sở hành lang pháp lý đấu tranh với hoạt động phạm tội này.

Liên quan đến tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy tại các quán karaoke, vũ trường, quán bar, biệt thự trong khu nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp, trang bị hệ thống âm thanh công suất lớn…, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ đã hướng dẫn công an các địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp tổ chức việc quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo quy định của pháp luật và rút giấy phép hoạt động cơ sở vi phạm nghiêm trọng, có chứa chấp, sử dụng trái phép chất ma túy.

“Tuy nhiên, trên thực tế, có trường hợp rút giấy phép thì hôm sau lại có người khác đứng tên xin phép kinh doanh, vẫn tại cơ sở đó, mô hình y như cũ, chỉ khác người xin phép là anh, em, họ hàng của người đã bị rút giấy phép. Chính vì vậy, cùng với tăng cường tuyên truyền pháp luật đối với các chủ cơ sở kinh doanh có điều kiện, tuyên truyền tác hại của ma tuý đối với thanh thiếu niên, chúng tôi tổ chức các hoạt động nghiệp vụ để đấu tranh, xử lý. Kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ non kém nghiệp vụ, có dấu hiệu bảo che, bảo kê” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Về khó khăn kinh phí trong đấu tranh phòng, chống ma tuý, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, từ năm 2020 trở về trước, các địa phương có kinh phí của chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng, chống ma tuý. Từ năm 2021 đến nay, Chính phủ giao các địa phương sử dụng kinh phí thường xuyên cho công tác này. Chính vì vậy, đối với các tỉnh nghèo, miền núi thì kinh phí dành cho đấu tranh phòng, chống ma tuý rất khó khăn.

“Bộ Công an đang chỉ đạo xây dựng các dự án thuộc chương trình quốc gia phòng, chống ma tuý giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có 1 phần kinh phí phân bổ cho địa phương để giảm bớt khó khăn cho công tác này” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Sẽ xử lý nghiêm cán bộ nếu bao che cho các quán bar, vũ trường tổ chức sử dụng ma tuý -0
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) về việc đối tượng xấu sử dụng sim rác để lừa đảo có khả năng ngăn chặn được không? Lộ trình ngăn chặn thế nào?, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã đấu tranh với nhiều băng, nhóm đối tượng sử dụng sim rác để lừa đảo và thực hiện các loại tội phạm khác; đã chỉ đạo kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phối hợp cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp mạng như Vinaphone, Mobifone, Vietel…để xác thực, sàng lọc các chủ thuê bao.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, nếu chúng ta giải quyết được vấn đề này thì hoạt động trên môi trường mạng sẽ lành mạnh hơn rất nhiều. Theo quy định, từ 1/8/2022, thông tin thuê bao mới phải được xác định chính xác thông tin; từ 30/9/2022 sẽ tiến hành đối chiếu xong dữ liệu dân cư với các dữ liệu chủ thuê bao của các nhà mạng. Theo lộ trình này, sau khi đối chiếu xong dữ liệu dân cư với dữ liệu thuê bao thì hoàn toàn ngăn chặn được sim rác. 

Tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân chất vấn: hiện nay, đối với nhiều doanh nghiệp trong nước thì hộ chiếu có thể thay thế căn cước công dân. Vậy tại sao không thực hiện tích hợp hai loại giấy tờ này trên một loại để thuận tiện cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định?

Sẽ xử lý nghiêm cán bộ nếu bao che cho các quán bar, vũ trường tổ chức sử dụng ma tuý -0
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời các đại biểu.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hộ chiếu và CCCD là hai loại giấy tờ có giá trị sử dụng khác nhau, CCCD để sử dụng giao dịch trong nước, hộ chiếu sử dụng để xuất nhập cảnh, đi lại quốc tế. Người dưới 14 tuổi, Công an cấp cơ sở sẽ xác nhận chính xác giữa người và ảnh để đề nghị cấp hộ chiếu. Người đủ 14 tuổi sẽ được cấp CCCD.  Thủ tục cấp CCCD không yêu cầu người dân phải xác nhận nơi sinh. Nếu đã có CCCD thì công dân không cần đến Cơ quan Công an mà có thể khai trên mạng để được cấp hộ chiếu.

“Hai thủ tục này đã được cải cách rất nhiều để phục vụ thuận lợi tối đa cho người dân” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, mục đích sử dụng khác nhau giữa hộ chiếu và CCCD cũng là thông lệ chung của quốc tế. Trên thực tế, hộ chiếu có thể sử dụng thay thế CCCD trong 1 số trường hợp." Ngược lại, đối với CCCD, chúng tôi nghiên cứu CCCD một số nước tiên tiến trên thế giới ứng dụng có thể thay thế hộ chiếu trong phạm vi nhất định. Trước mắt, nếu một số nước, đặc biệt như các nước Asean, nếu thống nhất được thì có thể sử dụng đi lại được trong khối Asean như một số nước Châu Âu đang áp dụng” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Phương Thuỷ
.
.
.